Đưa công nghệ “sấy 0 đồng” phục vụ nông sản giá trị cao

Trong thời gian tới, đơn vị phát triển công nghệ kết hợp cùng Cesti phổ biến công nghệ, mở rộng phạm vi ứng dụng đến nhiều loại sản phẩm.

Chỉ mất 980 đồng để sấy xong 1kg cá sặc khô có giá trị 250.000 đồng, hay thậm chí tuyệt vời hơn 1kg cá dứa thành phẩm giá bán 450.000 đồng chỉ tốn 37 đồng tiền sấy. Chi phí tiêu hao thấp đến không ngờ như vậy, có thể xem gần như không có, là thành quả từ việc nghiên cứu và ứng dụng hệ thống sấy động bằng năng lượng mặt trời do ThS. Phan Văn Hiệp (Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, ĐH Văn Hiến) thực hiện.

Đó cũng chính là điểm hấp dẫn nhất tại buổi hội thảo giới thiệu Công nghệ sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời trong chế biến thực phẩm diễn ra sáng ngày 22/3/2019 tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN TP.HCM (Cesti). Nhiều cơ sở chế biến cà phê, tiêu rất quan tâm, đặt hàng, thúc đẩy đơn vị phát triển công nghệ mạnh dạn mở rộng triển khai cho các loại nông sản giá trị cao.

 
Hình. Mô hình sấy động 

ThS. Phan Văn Hiệp cho biết từ một dự án nghiên cứu khoa học do Sở KHCN TP.HCM hỗ trợ, nhận thấy công nghệ sấy động sử dụng năng lượng mặt trời sẽ giảm được nhiều chi phí khi không cần trang bị pin năng lượng mặt trời, ông đã chuyển hướng sang ứng dụng hiệu ứng nhà kính, kết hợp sử dụng nhiều loại cảm biến để theo dõi và điều chỉnh thông số phơi sấy, chế tạo thành công thiết bị sấy động như hiện nay.

Thực tế, thiết bị đã được sử dụng ở nhiều nơi như Củ Chi, Cần Giờ (TP.HCM), Long An, Trà Vinh, áp dụng cho nhiều loại nông sản như cá dứa, cá sặc, bánh tráng, bún/hủ tiếu…, góp phần rút ngắn thời gian phơi sấy, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm công lao động trực tiếp và làm thay đổi nhận thức về ứng dụng công nghệ - máy móc của nhiều cơ sở sản xuất, nhưng vẫn tạo điều kiện để mỗi cơ sở áp dụng kinh nghiệm thực tế của mình khi điều khiển thiết bị.

Theo chia sẻ của ThS. Phan Văn Hiệp, với kiểu ứng dụng hiệu ứng nhà kính bằng năng lượng mặt trời, thiết bị có khả năng sấy thực phẩm có độ khô và cảm quan tương đương như phơi nắng truyền thống. Cụ thể, thiết bị kết hợp phơi bằng năng lượng mặt trời vào ban ngày (gia nhiệt thêm từ 5-20 độ C) và sấy bằng điện vào ban đêm. Vì thế, thiết bị vận hành không phụ thuộc vào thời tiết thất thường cũng như các loại nguyên liệu chất đốt, rút ngắn thời gian phơi sấy (lên đến 30% so với phơi nắng truyền thống) và có thể sấy nhiều mẻ liên tục. Ngoài khả năng tự động kiểm soát được các thông số phơi sấy và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… thiết bị còn tận dụng kinh nghiệm sản xuất của cơ sở bằng cách nhập thông số chi tiết vào bảng điều khiển.

Với kiểu bố trí nhiều mặt phơi trong buồng kín, thiết bị không chỉ giúp tiết kiệm mặt bằng phơi – chỉ khoảng 12m2 mà còn giúp tăng năng suất phơi sấy tăng lên nhiều lần, đồng thời còn chống nhiễm bụi, trứng ruồi, khử vi sinh ngay trong quá trình phơi sấy bằng đèn chiếu tia cực tím.

ThS. Phan Văn Hiệp cho biết khi triển khai thiết bị sấy động sử dụng năng lượng mặt trời, cơ sở sản xuất nên xây dựng liên hoàn các khu vực chế biến – phơi sấy – đóng gói sản phẩm để đảm bảo khép kín, đảm bảo vệ sinh tổng thể. Mặt khác, thiết bị nên được bố trí ngay tại vùng nguyên liệu để tận dụng lợi thế tươi mới, sản xuất nông sản ngay tại chỗ.

Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN TP.HCM sẽ hỗ trợ kết nối và chuyển giao thiết bị sấy động bằng năng lượng mặt trời cho các cơ sở sản xuất có nhu cầu.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

 

 
Techport.vn
Scroll