Sản xuất giống dưa lưới mới thích nghi với nhà màng vùng Nam Bộ

Mô hình nghiên cứu đã lai tạo thành công hai giống dưa lưới mới có chất lượng tốt, kháng bệnh để phục vụ canh tác trong nhà màng vùng Nam Bộ. Mô hình sẵn sàng chuyển giao áp dụng sản xuất, nhằm đáp ứng yêu cầu canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần đa dạng sản phẩm dưa lưới trên thị trường.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Dưa lưới (Cucumis melo L.) được trồng khắp nơi trên thế giới. Đây là một trong những loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao và thị trường tiêu thụ khá ổn định. Thành phần dinh dưỡng của dưa lưới có chứa chất chống oxy hóa dạng polyphenol, có khả năng phòng chống ung thư và tăng cường hệ miễn dịch, nhiều chất xơ nên có tác dụng nhuận trường, chống táo bón và là nguồn phong phú beta-carotene, acid folic, kali và vitamin C, A giúp điều hòa huyết áp, ngừa sỏi thận, lão hóa xương.
 
Dưa lưới là đối tượng cây trồng được du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây. Mặc dù quy mô sản xuất chưa lớn nhưng có tiềm năng thương mại lớn. Các giống dưa lưới đang trồng được nhập từ Úc, Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan. Hiện nay, dưa lưới được bán tập trung tại các siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm cao cấp. Giá bán dưa lưới khá cao, vào khoảng 40.000 - 80.000 đồng/kg. Lợi nhuận thu được từ sản xuất dưa lưới vào khoảng 250 - 350 triệu đồng/vụ/ha.
 
Diện tích trồng dưa lưới tại Việt Nam đang ngày càng mở rộng do thị trường tiêu thụ khá tốt, nhất là ở các tỉnh phía Nam với thị trường tiêu thụ chính là TP.HCM và ở phía Bắc là Hà Nội. Trồng dưa lưới mang lại giá trị kinh tế cao, trong điều kiện nhà màng của vùng Nam Bộ có thể sản xuất từ 3 - 4 vụ/năm.
 
Tuy nhiên sản xuất dưa lưới so với nhu cầu thị trường trong nước vẫn còn rất thấp. Phần lớn các giống dưa lưới đang trồng hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài, giá thành hạt giống cao, cộng thêm chi phí vật tư sản xuất lớn và do đặc tính sản xuất của giống (chỉ thu 1 trái/1 cây) nên nông sản sản xuất ra có giá thành khá cao, hầu như chỉ phục vụ cho đối tượng khách hàng cao cấp. Để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ và đối tượng khách hàng, việc xem xét hạ giá thành sản phẩm là hết sức cần thiết. Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu quy trình sản xuất để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, cần phải quan tâm đến vấn đề chọn tạo được giống cây trồng tốt để đưa vào sản xuất đại trà.
 
Quy trình và phương pháp thực hiện
Quy trình chọn tạo giống dưa lưới F1
 
1. Chuẩn bị
 
- Vật liệu: các dòng/ giống dưa lưới sưu tập.
 
- Thiết bị, vật tư sử dụng: nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, bồn chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, giá thể trồng cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ống hút, vỉ gieo hạt, thau, rổ, túi đựng hạt, bầu nilon, thước, bao tay, khẩu trang, máy phun thuốc, cân, máy đo độ brix, máy đo độ cứng, máy so màu, máy chụp hình.
 
- Hóa chất sử dụng trong sinh học phân tử: Tris, Ethanol tuyệt đối, Acid acetic, Agarose, EDTA (pH 8), Thang DNA ladder, Ethidium bromide, DNA loading Dye, RNAase, DreamTaq Green PCR Master Mix (2X), Genomic DNA Purification Kit.
 
- Thiết bị sử dụng trong sinh học phân tử: máy ly tâm nhiệt độ thường, máy ly tâm làm lạnh, máy vortex, cân điện tử, lò vi sóng, máy điện di, bồn ủ nhiệt, máy chụp gel, máy PCR,…
 
2. Các bước tiến hành
 
Bước 1: Sưu tập, nhập nội các dòng/giống dưa lưới làm vật liệu khởi đầu
 
Sưu tập các giống dưa lưới trong và ngoài nước, các giống hiện đang bán trên thị trường và các giống nhập nội.
 
Bước 2: Khảo sát và đánh giá vật liệu khởi đầu
 
Trồng khảo nghiệm các giống dưa lưới sưu tập được.
 
Theo dõi các chỉ tiêu nông sinh học: thời gian sinh trưởng (ngày); thời gian ra hoa đực và hoa cái (ngày); chiều cao cây (cm); kích thước lá (cm); hình dạng lá; màu sắc lá; tỷ lệ đậu quả (%); hình dạng quả; mật độ lưới/quả; khối lượng quả (g); màu thịt quả; chiều dài, đường kính, độ dày thịt quả (cm); độ giòn (cứng); độ brix (%); năng suất quả (tấn/ha); thành phần sâu, bệnh hại; tỷ lệ bệnh hại (%);
 
Chọn các giống có những tính trạng thích nghi với khí hậu tại vùng khảo nghiệm và đạt được mục tiêu yêu cầu chọn giống đặt ra.
 
Bước 3: Tuyển chọn các nguồn vật liệu ban đầu thích hợp với mục tiêu chọn tạo giống
 
Sau khi khảo nghiệm các giống sưu tập được, chọn ra một số giống phù hợp với điều kiện khí hậu tại nơi nghiên cứu dùng làm vật liệu khởi đầu.
 
3. Chọn lọc cá thể và tạo dòng thuần theo phương pháp phả hệ
 
Bước 1: Chọn lọc cá thể và tạo dòng thuần
 
Thực hiện qua 8 vụ.
 
Bước 2: Đánh độ dòng thuần các dòng tự thụ bằng chỉ thị phân tử SSR và hình thái
 
Trên cơ sở kết quả thu được ở bước 1, các dòng tiếp tục được đánh giá độ thuần bằng kỹ thuật sinh học phân tử SSRs. Chọn các dòng tốt nhất đạt độ thuần cao (>95%) và khác biệt về dạng quả, mật độ lưới, màu vỏ quả, màu thịt quả, độ brix, khối lượng quả.
 
4. Lai tạo và đánh giá con lai
 
Bước 1: Lai tạo để tạo các tổ hợp lai
 
- Từ các dòng dưa lưới ưu tú nhất được chọn làm bố mẹ và lai tạo theo phương pháp sử dụng là lai luân giao (diallel cross), thực hiện lai luân giao một nửa với n(n-1)/2 kiểu gen, chỉ có con lai thuận của Griffing B.I. (1956).
 
- Theo dõi các chỉ tiêu: thời gian sinh trưởng; thời gian ra hoa đực và hoa cái; tỷ lệ đậu quả; số hạt chắc/quả (hạt); khối lượng hạt/quả (g); trọng lượng 100 hạt (g).
 
Bước 2: Đánh giá các tổ hợp lai
 
- Trồng các tổ hợp lai và giống đối chứng hiện đang bán nhiều trên thị trường.
 
- Thí nghiệm được bố trí theo kiểu CRD một yếu tố, 3 lần lặp lại, mỗi ô thí nghiệm 15m2 (tương ứng 30 cây/ô), theo dõi 15 cây/ô. Theo dõi các chỉ tiêu tương tự ở phần 2 (bước 2).
 
- Đánh giá khả năng kết hợp của các dòng bố mẹ, chọn các dòng tốt. Chọn các tổ hợp lai có triển vọng so với giống đối chứng.
 
5. Khảo nghiệm các tổ hợp lai
 
Bước 1: Khảo nghiệm cơ bản
 
- Chọn các tổ hợp lai triển vọng trồng ở các vùng khác nhau, trồng qua 3 vụ để đánh giá tính thích nghi và tính ổn định.
 
- Thí nghiệm được bố trí theo kiểu CRD một yếu tố, 3 lần lặp lại, mỗi ô thí nghiệm 30m2 (tương ứng 60 cây/ô), theo dõi 30 cây/ô. Trồng so sánh với giống đối chứng đang bán nhiều trên thị trường. Theo dõi các chỉ tiêu tương tự ở phần 2 (bước 2). Xung quanh thí nghiệm phải có ít nhất một luống bảo vệ.
 
Bước 2: Khảo nghiệm sản xuất
 
- Tiến hành 2 vụ, đồng thời với khảo nghiệm cơ bản hoặc sau 1 vụ khảo nghiệm cơ bản đối với những giống dưa lưới có triển vọng. Chọn tổ hợp lai triển vọng nhất để khảo nghiệm sản xuất ở các vùng khác nhau.
 
- Diện tích: tối thiểu 1000m2/giống/điểm. Tổng diện tích khảo nghiệm sản xuất qua các vụ không vượt quá quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
- Giống đối chứng do cơ sở khảo nghiệm lựa chọn, quyết định. Chất lượng của hạt giống phải tương đương với giống khảo nghiệm theo TCVN 8815:2011.
 
- Phương pháp đánh giá: thời gian sinh trưởng; năng suất; đặc điểm giống; ý kiến của người sản xuất.
 
6. Sản xuất hạt giống
 
- Chọn tổ hợp lai được nhiều người chấp nhận và sản xuất hạt lai F1. Lấy bố mẹ của tổ hợp lai này trồng và lai tạo con lai.
 
- Tỷ lệ trồng bố: mẹ <=> 1 : 7.
 
- Cách lai: dưa lưới phải khử đực trước khi lai tạo (hoa lưỡng tính). Vì vậy phải khử đực chiều hôm trước để không còn phấn của cây mẹ, đánh dấu hoa đã khử đực. Sáng hôm sau hái hoa đực của cây làm bố và thụ phấn vào hoa cái của cây làm mẹ, đánh dấu quả đã lai và kẹp ống lại không để phấn khác bám vào (dễ bị lẫn, không đạt độ thuần).
 
- Lúc sản xuất hạt giống, do vận chuyển, thu hoạch, phơi, bảo quản không cẩn thận sẽ dẫn đến lẫn giống làm giảm sản lượng và chất lượng của giống. Có 2 loại lẫn tạp (lẫn cơ giới và lẫn sinh học).
 
- Một số kỹ thuật sản xuất giống: nhiệm vụ của sản xuất giống là vừa nâng cao hệ số nhân, vừa nâng cao độ thuần và chất lượng của giống. Vì vậy kỹ thuật sản xuất phải tiến bộ, không ngừng lựa chọn và khử lẫn. Nơi sản xuất phải đầy đủ ánh sáng, không gần ổ dịch (bọ trĩ, sâu bệnh,…), phân bón phải đầy đủ và đúng giai đoạn, kỹ thuật gieo trồng tốt, phát hiện phòng trừ sâu bệnh kịp thời, thu hoạch đúng thời điểm.
 
Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới
1. Chuẩn bị giá thể trước khi trồng
 
a) Xử lý giá thể (mụn xơ dừa):
 
- Mụn dừa mới được xả vào bể ngâm với vôi, theo tỷ lệ 25kg vôi ngâm với 3m3 mụn dừa.
 
- Vôi được rải đều theo từng lớp xơ dừa, cứ khoảng 2 lớp xơ dừa một lớp vôi.
 
- Cho nước vào ngập xơ dừa. Trong quá trình ngâm, cần đảo xơ dừa, xả nước cũ thay nước mới ít nhất 4 lần:
 
+ Đảo lần 1: sau 1 ngày đầu tiên ngâm xơ dừa, tiến hành đảo xả nước thay nước mới.
 
+ Đảo lần 2, 3, 4: thực hiện định kỳ 2 ngày một lần tiến hành như lần 1.
 
- Thời gian ngâm: tốt nhất là 7 ngày.
 
b) Chuẩn bị máng hoặc bầu trồng:
 
- Máng trồng: dài 26m, rộng 50cm, cao 20cm. Xơ dừa đã xử lý được đổ vào 3/4 máng. Dây tưới nhỏ giọt được kéo thẳng trên mặt luống.
 
- Bầu trồng: là túi nhựa PE kích thước dài 33cm x rộng 19cm, phía đáy và xung quanh bầu có đục lỗ thoát nước.
 
2. Kỹ thuật vườn ươm
 
- Thời gian ngâm hạt: 3 giờ.
 
- Thời gian ủ hạt: 14 - 24 giờ tùy theo giống, khi hạt nứt nanh tiến hành gieo.
 
- Hạt được gieo so le trên vỉ nhựa (loại khay 104 lỗ) có chứa giá thể đất sạch của Công ty TNHH Hiếu Giang (sản phẩm Better). Sau khi gieo, phủ lên trên hạt một lớp mụn dừa hoặc lớp đất sạch mỏng. Toàn bộ khay gieo đặt trong máng, được tưới bằng phương pháp thẩm thấu.
 
- Trồng cây con: sau khi gieo hạt được 7 - 10 ngày, cây con đã có 1 lá thật thì tiến hành trồng.
 
3. Mật độ, khoảng cách
 
- Qui cách trồng: trồng bằng bầu hoặc trên máng. Trồng hàng kép, theo nanh sấu cây cách cây 50cm, luống cách luống 1m.
 
- Cách quấn cây: khuy nhựa móc vào gốc cây, dây quấn theo các đoạn thân cây, được đỡ bằng dây nilon móc trên dây kẽm chạy dọc theo luống.
 
- Ngắt bỏ hết cành nách từ vị trí lá mầm cho đến đốt thân thứ 7. Từ cành nách thứ 8 bắt đầu để ra hoa cái thụ phấn. Sau khi quả đã đậu to bằng quả bóng tennis thì ngắt hết những chồi nách phía trên và ngắt ngọn cành nách mang quả, chừa lại 1 lá phía ngoài quả. Sau đó tiến hành chọn lọc quả (chọn lọc những quả từ 10 tới lá thứ 13 là tối ưu nhất).
 
- Thụ phấn: lấy hoa đực đầu tiên trên thân chính từ ngọn xuống thụ phấn cho hoa cái. Thời gian thụ phấn tốt nhất là 7 - 11 giờ sáng.
 
- Ngắt ngọn khi cây dưa đạt 23 - 25 lá thật trên thân chính.
 
- Tỉa cành: tỉa các cành nách không có trái để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
 
4. Tưới nước và bón phân
 
- Phân bón được hòa vào nước và cung cấp cho cây theo các lần tưới nước.
 
- Giai đoạn trước ra hoa: tưới mỗi ngày 8 lần cho cây nhỏ (khoảng 1,2 - 1,4 lít/cây/ngày).
 
- Giai đoạn sau khi ra hoa tưới 10 lần/ngày (khoảng 2,0 - 2,4 lít/cây/ngày).
 
- Lượng nước tưới được dựa trên việc duy trì lượng nước tưới dư 10 - 20% so với tổng lượng nước tưới.
 
- Các chỉ số pH và EC được chuẩn định kỳ 2 lần/tuần. Vào giai đoạn trước ra hoa chỉ số EC trong dung dịch phân bón đạt khoảng 1600µS/cm, sau đó điều chỉnh để tăng EC lên 1800 - 2000µS/cm.
 
- Công thức phân bón: tính theo ppm.
 
- Lượng phân bón cho các giai đoạn như sau:
 
 
 
5. Phòng trừ sâu bệnh hại
 
a) Sâu hại:
 
- Sâu hại đối với dưa lưới trồng trong nhà màng chủ yếu là hai loài sâu chích hút: bọ phấn trắng và bọ trĩ.
 
- Biện pháp phòng trừ: chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học để trừ bọ phấn trắng và bọ trĩ. Phun một trong những loại thuốc trừ sâu có hoạt chất sau đây:
 
+ Abamectin 1g/l (20g/l) + Matrine 5g/l (5g/l).
 
+ Abamectin 1% + Imidacloprid 9.8%.
 
+ Azadirachtin – chất chiết từ hạt cây Neem – 1500ppm, 3000ppm.
 
b) Bệnh hại:
 
- Bệnh hại trên cây dưa lưới thường gặp là thối gốc gây héo do nấm Fusarium, bệnh phân trắng hại lá (powedery mildew), bệnh đốm là do nấm Alternaria, bệnh virus…
 
- Trừ bệnh bằng thuốc có nguồn gốc sinh học Bacillus subtilis; Cymoxanil 8% + Mancozep 64%; Fosetyl Aluminium (min 95%)…
 
6. Thu hoạch
 
- Trước khi thu hoạch 5 ngày tiến hành giảm dần lượng phân bón, sau đó ngắt không tưới phấn. Trước khi thu hoạch 2 ngày tiến hành ngắt nước.
 
- Tùy theo giống, khi thấy cuống quả có những vết sọc thấy rõ thì kiểm tra độ brix cho đến khi đạt tối thiểu 13 mới thu hoạch.
 
- Kinh nghiệm theo dõi độ chín:
 
+ Lá gần quả nhất chuyển vàng hoặc héo.
 
+ Tua cuống sát quả bị khô.
 
+ Màu của vỏ quả chuyển từ đậm qua màu sáng.
 
+ Xuất hiện vòng xanh đậm quanh cuống quả và rốn hoa.
 
+ Lưới chuyển màu từ đậm sang màu kem nhạt.
 
+ Cuống quả có những vết sọc thấy rõ.
 
+ Nếu nứt xung quanh cuống quả là quả đã chín.
 
- Thu hoạch:
 
+ Thu hàng ngày vào buổi sáng khi trời mát.
 
+ Thu hái cẩn thận, tránh bị vết thương sẽ tạo ra ethylen làm quả chín nhanh, dễ hư hỏng.
 
+ Loại bỏ những quả có dị tật.
 
- Bảo quản:
 
+ Quả dưa được bảo quản tối thiểu 6 tiếng ở nhiệt độ 40C và RH 96%.
 
+ Đóng gói,vận chuyển. Khi vận chuyển đi xa thì bảo quản ở 30C, RH 90%, thông gió 30m3/giờ.
 
+ Cất giữ tại kho 2 - 3 ngày thì để nhiệt độ phòng 16-180C là đủ.
 
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Quy trình chọn tạo giống dưa lưới F1 và quy trình quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới nêu trên được thực hiện tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, thuộc đề tài “Lai tạo và khảo nghiệm một số tổ hợp lai dưa lưới (Cucumis melo L.) thích hợp canh tác trong nhà màng vùng Nam Bộ”. Đề tài được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu trong năm 2021. Kết quả đã chọn ra được hai tổ hợp lai (THL) dưa lưới tốt nhất là THL01 và THL08, có thể làm giống F1. Hai giống dưa lưới F1 này có chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn giống sạch bệnh, không bị dị dạng, tỷ lệ nảy mầm ≥ 95%, độ sạch ≥ 98%, ẩm độ ≤ 10%. 
 
 
Khảo nghiệm sản xuất dưa lưới tại An Giang 
 
Khảo nghiệm sản xuất hai giống dưa F1 tại một số vùng trồng ở TP.HCM, An Giang cho thấy, THL01 và THL08 đều sinh trưởng và phát triển tốt, dễ trồng, dễ đậu quả, ít bị bệnh sương mai, phấn trắng và virus, thích nghi với nhà màng vùng Nam Bộ; năng suất ổn định (30 - 33 tấn/ha đối với THL08, 35 - 40 tấn/ha đối với THL01), cao hơn so với giống TL3 (30,31 - 33,94 tấn/ha). Trong đó THL01 được nhiều người ưa thích với các ưu điểm như có dạng quả oval, vỏ quả màu xám, thịt quả màu cam, giòn, ngọt, độ brix > 12,5%, thịt quả cứng hơn giống đối chứng TL3, năng suất cao, ít bị bệnh.
 
Đặc điểm của hai giống dưa lưới mới THL01 và THL08 
 
Chi phí sản xuất hạt giống F1 dưa lưới của đề tài này khoảng 500 - 700 đồng/hạt, thấp hơn nhiều so với hạt giống nhập nội (2.000 - 5.000 đồng/hạt). Hạt giống có chất lượng phù hợp với yêu cầu của thị trường, đạt các tiêu chuẩn để được chọn làm giống cây trồng mới, sẵn sàng đưa vào sản xuất thương mại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần đáp ứng được yêu cầu canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ chương trình giống cây, giống con chất lượng cao, đa dạng sản phẩm dưa lưới trên thị trường, tiến đến tự chủ được nguồn hạt giống sản xuất trong nước, không phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài.
 
Hiện nhóm tác giả đang tiếp tục hợp tác với Sàn Giao dịch công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) để sẵn sàng chuyển giao quy trình này cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.
 
Thông tin chuyên gia, hỗ trợ
1. ThS. Đoàn Hữu Cường
Điện thoại: 0909314067. Email: dhcuong1975@yahoo.com.vn
 
2. Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM
Địa chỉ: 2374 Quốc lộ 1, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Tp.HCM
Điện thoại: 02837153792
 
3. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: pgdcn@cesti.gov.vn
Lam Vân
Scroll