Quy trình ủ hoai cành thanh long thành phân hữu cơ bằng các chủng vi sinh vật có lợi

Quy trình đẩy nhanh thời gian phân hủy cành thanh long hơn 30 ngày so với trường hợp không bổ sung vi sinh vật. Thêm nữa, việc bổ sung từng loại vi sinh vật thích hợp trong từng giai đoạn phân hủy và kết hợp tỉ lệ phân chuồng khác nhau giúp nâng cao chất lượng phân khối ủ hữu cơ vi sinh từ cành thanh long.
Thực trạng
Thanh long là một trong những loại nông sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường quốc tế với vị thế xuất khẩu dẫn đầu nhiều năm liên tiếp. Trên phạm vi cả nước, diện tích trồng thanh long đạt 60.400 ha, sản lượng cung cấp cho thị trường khoảng 1,24 triệu tấn/năm (năm 2019), cao gấp 1,6 lần về diện tích và 2 lần về sản lượng so với 5 năm trước.
 
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dịch hại là nguyên nhân làm giảm năng suất và chất lượng quả, đặc biệt là bệnh đốm trắng do nấm Neoscytalidium dimidiatum (có khả năng lây lan nhanh, thời gian tồn lưu trong đất lâu dài và kháng nhiều loại thuốc hóa học đặc trị nấm). Một trong những biện pháp cần thiết trong quy trình quản lý bệnh đốm trắng nói riêng và các bệnh khác trên cây thanh long nói chung là cắt tỉa và thu gom cành bệnh. Mặt khác, trong quá trình canh tác, nông dân cũng thường xuyên cắt tỉa cành già, cành yếu… Trung bình, mỗi vườn thanh long cần cắt tỉa cành 2 – 3 lần mỗi năm, dẫn đến khó khăn trong các khâu đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt đối với các vườn canh tác theo tiêu chuẩn GAP. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nỗi lo về bãi chứa, đe dọa ô nhiễm môi trường, và đặc biệt nhất là vấn đề lây lan mầm bệnh dẫn đến nhiều dịch hại nghiêm trọng.
 
Đồng thời, việc sử dụng phân hóa học đã làm tăng sản lượng cây trồng một cách rõ rệt. Ngày nay, việc bón phân hóa học thích hợp vào đồng ruộng có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào sự có mặt của các nhóm vi sinh vật có khả năng phân giải hợp chất khó tan và các dạng khoáng hóa của chất dinh dưỡng. Đây là cơ sở để tạo các chế phẩm phân bón hữu cơ sinh học. Ngoài ra, việc áp dụng vi sinh vật cố định đạm và phân hủy xác bã thực vật trong đất, giúp giảm lượng phân đạm hóa học cần bón cho cây trồng, tăng hàm lượng mùn hữu cơ và tận dụng các nguồn dinh dưỡng sẵn có cho cây trồng.
 
Quy trình ủ hoai cành thanh long thành phân hữu cơ bằng các chủng vi sinh vật có lợi sử dụng các chủng vi khuẩn Bacillus subtilis, Lactobacillus, Burkhoderia tropica… nhằm đẩy nhanh thời gian phân hủy cành thanh long hơn 30 ngày so với trường hợp không bổ sung vi sinh vật. Thêm nữa, việc bổ sung từng loại vi sinh vật thích hợp trong từng giai đoạn phân hủy và kết hợp tỉ lệ phân chuồng khác nhau, giúp nâng cao chất lượng phân khối ủ hữu cơ vi sinh từ cành thanh long. Bón 30kg phân hữu cơ vi sinh từ cành thanh long/trụ, cũng giúp tiết kiệm 25% lượng phân hóa học khuyến cáo theo quy trình canh tác thông thường.
 
Quy trình ủ hoai cành thanh long thành phân hữu cơ bằng các chủng vi sinh vật có lợi đã được công bố và khuyến cáo rộng rãi cho các vùng trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như Chợ Gạo, Tân Phước.
 
Hiện nay, Sàn Giao dịch Công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) đang tiếp tục đồng hành cùng nhà cung ứng trong hoạt động hỗ trợ kết nối, tư vấn chuyển giao công nghệ, thiết bị cho doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu.
 
Quy trình sản xuất
 
Quy trình ủ hoai cành thanh long bằng các chủng vi sinh vật có ích thành phân hữu cơ sinh học qua 3 bước, với các công việc cụ thể được trình bày như sau:
 
Bước 1: Chặt bỏ, thu gom cành thanh long già, bệnh
 
Thường xuyên kiểm tra, chặt bỏ và thu gom các cành thanh long có triệu chứng bệnh đốm trắng, với vết bệnh nhiều, sẫm màu và lan nhanh.
 
Cắt tỉa định kỳ hoặc sau mỗi lần thu hoạch nhằm loại bỏ những cành vô hiệu, ốm yếu, không có khả năng cho trái hoặc cho trái không đạt chất lượng.
 
 
 
 
Cành thanh long già và bệnh cần loại bỏ 
 
Thu gom về điểm tập trung (còn gọi là bãi ủ, 1 đến 2 điểm tập trung tùy thuộc vào diện tích vườn). Nếu chưa xử lý lập tức thì cần dùng bạt che phủ đống ủ để tránh mầm bệnh phát tán.
 
Bước 2: Xử lý cành thanh long
 
Băm/chặt cành thanh long: sử dụng máy băm cành thanh long, hoặc chặt thủ công, mỗi đoạn 3 – 5cm. Chất thành đống ủ, mỗi đống ủ khoảng 500 – 1.000kg cành thanh long.
 
Ủ với Bacillus subtillis: sử dụng 15kg chế phẩm B. subtilis được pha loãng với nước, tỉ lệ 1: 1. Sau đó, phun chế phẩm đều lên đống ủ. Phủ bạt che kín đống ủ nhằm tránh mưa, nắng và duy trì độ ẩm cho đống ủ. Thời gian ủ khoảng 2 tuần.
 
Xử lý mầm bệnh đốm trắng bằng chế phẩm Lactobacillus plantarum: sau 2 tuần ủ cành thanh long với chế phẩm B. subtilis. Sử dụng 15kg chế phẩm L. plantarum cho đống ủ cành thanh long 1.000kg. Chế phẩm được pha loãng với nước, tỉ lệ 1:1, phun đều lên đống ủ, trộn đều và tiếp tục phủ bạt trong thời gian 2 tuần.
 
Ủ bổ sung vi khuẩn cố định đạm, hòa tan lân BTEC: sử dụng 10kg chế phẩm BTEC, pha loãng với nước, tỉ lệ 1:1, phun đều lên đống ủ cành thanh long đã phân hủy sau 4 tuần. Tiếp tục phủ bạt và ủ trong thời gian 1 tuần, nhằm giúp vi khuẩn có lợi (cố định đạm và hòa tan lân) thích nghi và nhân mật số trong đống ủ.
 
Bước 3: Sử dụng phân hữu cơ vi sinh sau khi ủ từ cành thanh long
 
Trộn sản phầm cành thanh long sau phân hủy với phân chuồng hoai mục: phân chuồng đã hoai mục được trộn đều với cành thanh long sau xử lý, tỉ lệ cành thanh long/phân chuồng là 2/1. Tiếp tục phủ bạt và ủ trong thời gian 1 tuần.
 
Bón cho cây thanh long: sản phẩm phân hữu cơ vi sinh từ cành thanh long hoai mục có thể được bón lại cho vườn thanh long, nhằm cung cấp chất dinh dưỡng hữu cơ, vi sinh vật có lợi cho đất, giúp cải thiện đất trồng thanh long và giảm chi phí cho phân hóa học.
 
Cách bón: 30kg cành thanh long hoai mục bón vào gốc cho 1 trụ thanh long, dùng cỏ khô hoặc rơm phủ gốc để giúp cho phân hữu cơ phát huy tác dụng tốt hơn.
 
Các điều kiện triển khai
Đối với nông hộ nhỏ và vừa: có khu vực tập kết cành thanh long, cách ly với nguồn nước tưới và khu vực canh tác.
 
Đối với trang trại: có bãi tập kết cành thanh long theo lô, khu vực nhân giống vi sinh vật và có nhu cầu định hướng canh tác theo hướng sinh thái và hữu cơ.
 
Nhà tư vấn sẽ cung cấp quy trình kỹ thuật thích hợp đối với từng địa phương, đối tượng, cung cấp giống vi sinh vật và quy trình nhân nuôi, bảo quản chế phẩm.
 
Ưu điểm của công nghệ
Quy trình kỹ thuật ủ hoai cành thanh long giúp xử lý nhanh chóng và hiệu quả lượng lớn phụ phẩm từ quá trình canh tác thanh long, hướng đến canh tác an toàn, xanh, sạch.
 
Có thể duy trì áp dụng lâu dài, bền vững trong suốt thời gian canh tác, cải tạo đất, xử lý mầm bệnh trong tàn dư thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí phân bón.
 
Quy trình áp dụng đơn giản, không cần thiết bị, công nghệ cao, dễ thực hiện và ít tốn chi phí.
 
Thông tin liên hệ chuyên gia
1. TS. Nguyễn Thị Ngọc Trúc
Viện Cây ăn quả Miền Nam
Địa chỉ: xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang
Điện thoại: 090 996 4494
E-mail: nguyentrucvietnam@gmail.com
 
2. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: pgdcn@cesti.gov.vn
Hoàng Kim
Scroll