Quy trình sản xuất trà thảo mộc lá tía tô – gừng – cỏ ngọt

Quy trình này sản xuất loại trà thảo mộc lá tía tô – gừng – cỏ ngọt có hoạt tính sinh học cao, rất tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng, có thể triển khai ở cả quy mô công nghiệp cũng như sản xuất nhỏ ở quy mô hộ gia đình.
Thực trạng
Hiện nay, nhiều người có xu hướng sử dụng các loại trà thảo mộc có nguồn gốc thiên nhiên, có sự kết hợp nhiều thành phần khác nhau, có công dụng giải nhiệt và tăng cường khả năng tiêu hóa, miễn dịch của cơ thể.
 
Trà thảo mộc lá tía tô – gừng – cỏ ngọt là sự kết hợp pha chế giữa lá tía tô và gừng nên có mùi thơm đặc trưng cho sản phẩm, được phối thêm cỏ ngọt để tạo vị phù hợp với thói quen sử dụng của người tiêu dùng. Phương thức sản xuất rất đơn giản, có thể tiến hành ngay tại hộ gia đình hoặc ứng dụng triển khai cho quy mô sản xuất công nghiệp.
 
 
 
Hiện nay, Sàn Giao dịch Công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) đang tiếp tục đồng hành cùng nhà cung ứng trong hoạt động hỗ trợ kết nối, tư vấn chuyển giao công nghệ, thiết bị cho doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu.
 
Quy trình sản xuất
Bước 1: Xử lý lá tía tô
Trong lá tía tô rất giàu chất xơ dinh dưỡng (dietary fiber), giàu chất khoáng dinh dưỡng (dietary minerals) như calci (calcium), sắt (iron), kali (potassium) và các loại vitamin A, C và riboflavin (B2).
 
Lá tía tô dùng làm nguyên liệu phải đảm bảo không hư hỏng, không dập nát, không lẫn phân bón và không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có độ già và chất lượng đồng đều thích hợp cho việc sản xuất trà.
 
Tiến hành xử lý (nhặt, rửa), cắt nhỏ với kích thước 1cm, để ráo. Tiến hành lên men ở nhiệt độ 40oC trong thời gian 2 giờ. Sau đó sấy ở nhiệt độ và thời gian thích hợp, tiến hành làm nguội.
 
Thời gian xử lý kéo dài khoảng 10 giờ/mẻ, thu được 1,7kg lá tía tô từ 10kg lá tươi.
 
Bước 2: Xử lý gừng
Các chất trong gừng có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau và giảm ho, chống viêm, chống co thắt, chống nôn, chống loét và tăng khả năng tiêu hoá, miễn dịch của cơ thể.
 
Gừng dùng làm nguyên liệu phải đảm bảo không hư hỏng, không dập nát, không lẫn phân bón và không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có độ già và chất lượng đồng đều thích hợp cho việc sản xuất trà.
 
Tiến hành xử lý (rửa, cạo vỏ), xắt lát với độ dày là 1mm và chiều rộng lát gừng là 0,4 cm, để ráo. Sấy ở nhiệt độ và thời gian thích hợp, tiến hành làm nguội.
 
Thời gian xử lý kéo dài khoảng 10 giờ/mẻ, thu được 1,3kg gừng từ 10kg gừng tươi.
 
Bước 3: Xử lý cỏ ngọt
Hoạt chất chính trong cỏ ngọt là một glycoside tên là steviol, có độ ngọt ước tính cao gấp vào khoảng 300 lần so với vị ngọt của mía) nhưng không sinh năng lượng. Cỏ ngọt thường được sử dụng trong các thực đơn ít năng lượng để điều trị các bệnh như đái tháo đường, cao huyết áp...
 
Cỏ ngọt do doanh nghiệp ở Lâm Đồng cung ứng, đã được sơ chế sẵn.
 
Bước 4: Phối chế trà thảo mộc lá tía tô – gừng – cỏ ngọt
Tiến hành phối trộn giữa lá tía tô, gừng và cỏ ngọt theo tỷ lệ phù hợp để cho sản phẩm trà thảo mộc lá tía tô – gừng – cỏ ngọt có ngoại quan, màu sắc, mùi và vị tốt (độ ngọt vừa phải).
 
Về cơ bản, lá tía tô dùng làm trà thảo mộc có mùi cỏ. Do đó, để cải thiện mùi của sản phẩm thì tiến hành phối với gừng (chứa 2 – 3% tinh dầu) để lấn át mùi cỏ của lá tía tô, đồng thời tạo mùi thơm đặc trưng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc bổ sung cỏ ngọt sẽ giúp vị của thành phẩm phù hợp hơn với thói quen và thị hiếu của người tiêu dùng.
 
Các điều kiện triển khai
Sản xuất trà thảo mộc lá tía tô – gừng – cỏ ngọt khá đơn giản, chủ yếu cần dao cắt, tủ sấy, và thiết bị phối trộn. Hộ gia đình có thể tự sản xuất và kinh doanh.
 
Ở quy mô công nghiệp, nếu muốn sản phẩm được sản xuất dưới dạng trà túi lọc thì cần đầu tư thêm máy đóng túi lọc tự động.
 
Nhà cung ứng công nghệ sẽ tư vấn quy trình kỹ thuật thích hợp đối với cho doanh nghiệp theo yêu cầu.
 
Ưu điểm của công nghệ
Trà thảo mộc lá tía tô – gừng – cỏ ngọt có hoạt tính sinh học cao, rất tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Trong sản phẩm trà chứa nhiều hoạt chất (từ lá tía tô) có tác dụng ức chế mạnh enzyme Xanthine Oxidase, ngăn ngừa béo phì, kiểm soát cân nặng, điều hòa đường huyết, cải thiện chức năng gan, thận, đồng thời ức chế chứng xơ cứng động mạch do chế độ ăn nhiều chất béo gây ra. Mặt khác, thành phần của gừng (khi uống nóng) làm giảm cảm giác đói, có tác dụng hỗ trợ kiểm soát tình trạng béo phì.
 
Quy trình sản xuất khá đơn đơn giản, không cần thiết bị - công nghệ cao, dễ thực hiện và ít tốn chi phí, có thể triển khai ở cả quy mô công nghiệp cũng như sản xuất nhỏ ở quy mô hộ gia đình.
 
Thông tin liên hệ chuyên gia:
1. ThS Trần Ngọc Điệp
Viện Công nghệ sinh học – Thực phẩm (Đại học Cửu Long)
Địa chỉ: Quốc lộ 1A, Phú Quới, Long Hồ, Vĩnh Long
Điện thoại: 0988910556
E-mail: tranngocdiep@mku.edu.vn
 
2. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: pgdcn@cesti.gov.vn
Hoàng Kim
Scroll