Quy trình nuôi thương phẩm cá hồng mỹ trong lồng bè

Việc chuyển đổi từ nuôi các loại thủy sản kém hiệu quả sang nuôi cá hồng mỹ mở ra hướng phát triển mới cho người nuôi thủy sản, tận dụng và phát huy diện tích mặt nước, ao hồ hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thực trạng sản xuất
 
Những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết và biến đổi khí hậu đã gây không ít trở ngại cho nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Một số vùng nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế đem lại cho người nuôi không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do ao nuôi lâu năm đã tiềm ẩn nhiều dịch bệnh cùng với sự thâm canh quá mức của người nuôi, hoặc do sử dụng nhiều kháng sinh hóa chất làm cho môi trường bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển không đồng bộ, không tuân thủ quy hoạch dẫn đến dịch bệnh ngày càng nhiều. Để giảm thiểu tác động của môi trường đến nghề nuôi thủy sản mặn lợ, người nuôi tôm có xu hướng chuyển đổi sang nuôi ốc hương, cá mú, cá vược… nhưng chưa đạt được hiệu quả tốt.
 
Th.S Nguyễn Thị Phương Thảo (Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam) cho biết, người nuôi trồng thủy sản có thể tận dụng lồng bè đang nuôi các loại thủy sản kém hiệu quả hoặc khai thác các diện tích ao nuôi tôm để triển khai nuôi cá hồng mỹ, đem lại lợi ích kinh tế tốt hơn.
 
Đã có một số tỉnh triển khai thành công mô hình nuôi thương phẩm cá hồng mỹ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định và Hà Tĩnh. Đối với nuôi trong ao nước lợ, cá giống cỡ 8-10cm thả nuôi với mật độ 10.000-15.000 con/ha, cho ăn bằng cá tạp hoặc thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein từ 40-50%, cho ăn 2 lần/ngày, định kỳ thay 30% nước, sau 6-8 tháng nuôi cá đạt cỡ thương phẩm trên 0,5 kg thì thu hoạch. Đối với hình thức nuôi lồng, cá giống cỡ 6-8 cm nuôi với mật độ 20-22 con/m3, cho ăn bằng cá tạp, sau 7 tháng nuôi cá đạt cỡ 0,8kg, sau 2 năm nuôi đạt cỡ 1,5-3 kg, năng suất đạt 10-12 kg/m3, tỷ lệ sống trên 70%, lợi nhuận bình quân cho 1 tấn cá thương phẩm từ 25-30 triệu đồng/vụ.
 
 
 
Quy trình thương phẩm nuôi cá hồng mỹ trong lồng bè phù hợp với yêu cầu của các cơ sở nuôi trồng thủy sản quy mô vừa và nhỏ, hoặc nông hộ mong muốn chuyển đổi đối tượng nuôi trồng.
 
Ưu điểm công nghệ
 
Cá hồng mỹ thuộc họ cá đù, là loài cá dữ ăn thịt, thức ăn ưa thích của cá trưởng thành ngoài tự nhiên là cá nhỏ, mực và giáp xác. Giai đoạn nhỏ thức ăn chủ yếu là động vật phù du như luân trùng, copepoda, cỡ cá lớn hơn ăn các loài tôm, cá nhỏ. Trong điều kiện ương nuôi cá con ngoài thức ăn tươi sống, cá đạt cỡ 15mm trở đi tập cho cá ăn thức ăn tổng hợp. Giai đoạn nuôi thương phẩm cá cũng sử dụng tốt các loại thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein từ 40 – 45% hoặc cá tạp.
 
Theo Th.S Nguyễn Thị Phương Thảo, giải pháp nuôi và chăm sóc cá hồng mỹ bằng thức ăn tổng hợp an toàn hơn cho phương pháp ăn bằng cá tạp. Cụ thể là cá tăng trưởng đồng đều, năng suất cá thu hoạch cao hơn. Nguyên vật liệu, vật tư, thức ăn tổng hợp dùng cho nuôi cá hồng mỹ có bán sẵn trên thị trường rất nhiều. Mặt khác, do sử dụng thức ăn tổng hợp nên dễ kiểm soát thức ăn dư thừa, qua đó giảm tác động xấu đến môi trường, bảo vệ sinh môi trường sinh thái.
 
Quy trình nuôi thương phẩm cá hồng mỹ trong lồng bè đã được triển khai nhiều ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, quy trình cũng đã được triển khai tại huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) nhằm chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi cá hồng mỹ. Sau hơn 8 tháng nuôi, cá hồng mỹ thích nghi, phát triển nhanh và cho năng suất cao, có khả năng nhân rộng ở các địa phương. Kết quả thu hoạch sau 8 tháng nuôi, năng suất đạt 8,5 tấn, người nuôi thu lợi nhuận khoảng 40 nghìn đồng/kg.
 
 
 
Việc chuyển đổi từ nuôi các loại thủy sản kém hiệu quả sang nuôi cá hồng mỹ mở ra hướng phát triển mới cho người nuôi thủy sản, tận dụng và phát huy diện tích mặt nước, ao hồ hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người nuôi thủy sản, xây dựng nghề nuôi thủy sản phát triển ổn định và bền vững.
 
Quy trình – giải pháp công nghệ
 
Bước 1: Chuẩn bị lồng bè
 
Lồng nuôi có thể lắp đặt dạng hình khối vuông, hình chữ nhật hoặc hình tròn, thể tích từ 20-200m3 (tùy theo quy mô và nhu cầu của người nuôi). Thông thường lồng được chọn có kích thước 6x6x3m, 4x4x3m hoặc 3x3x3m.
 
Khung lồng làm bằng nhựa HDPE hoặc gỗ. Miệng lồng được buộc chặt vào khung gỗ hoặc khung nhựa HDPE và được giữ nổi trên mặt nước nhờ hệ thống phao nhựa hoặc phao xốp, các góc đáy lồng được buộc các khối đá hoặc cục chì đảm bảo cho lưới được chìm đều và căng mặt đáy, đáy lồng đặt cách đáy biển ít nhất là 3m khi mức thuỷ triều thấp nhất. Lồng lưới được làm bằng sợi cước, sợi tổng hợp hoặc HPE (High polyethylene) với mắt lưới dao động từ 1- 5cm tuỳ theo cỡ cá nuôi,
 
Khung bè để kết nối các lồng với nhau thường dùng bằng gỗ có kích cỡ 420x15x6 cm. Khung bè được giữ nổi trên mặt nước nhờ hệ thống phao nhựa có thể tích 200 lít. Khung bè thường kết nối nhiều lồng lại với nhau, tạo thành một dàn bè vững chắc.
 
Bước 2: Xác định mật độ thả và chọn giống
 
Mật độ thả phụ thuộc vào kích cỡ và điều kiện nhiệt độ nuôi. Thường thả mật độ 15 - 20 con/m3 lồng.
 
Chọn giống: Chọn cá có thân hình thon dài, cân đối, màu sắc tươi sáng, khoẻ mạnh, không dị tật, không sây sát da. Cá có khối lượng từ 8-10g, chiều dài thân từ 10-12cm, đồng đều về kích thước.
 
Bước 3: Thả giống
 
Thời điểm thả cá giống phải phù hợp với mùa vụ con giống và thời tiết khí hậu, (thường từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau).
 
Trước khi thả cá cần kiểm tra độ mặn và nhiệt độ cân bằng, tránh làm cá sốc. Khi thả cá cần thao tác nhẹ nhàng, trường hợp cá yếu do vận chuyển, nên nhốt riêng cá trong thùng có sục khí cho đều đến khi cá hoạt động bình thường mới thả. Thả cá giống vào lúc trời mát, thả cá vào sáng sớm hoặc chiều tối. Chọn cá cùng cỡ thả trong một lồng để tránh cạnh tranh mồi và ăn thịt lẫn nhau.
 
Bước 4: Cho ăn
 
Cho cá ăn 2 lần/ngày, vào lúc sáng sớm (6-8h) và chiều mát (16- 18h chiều). Sử dụng thức ăn viên công nghiệp, dạng viên nổi, có độ đạm >40% và lipit 10-12%. Khi cá lớn dần có thể chọn loại thức ăn có độ đạm < 40% nhưng phải trên 30%.
 
Lưu ý là khẩu phần thức ăn sẽ thay đổi theo giai đoạn phát triển, và cần chọn loại thức ăn cho phù hợp với cỡ miệng của cá. Trong tháng đầu, có thể cho ăn 3 lần/ngày, nên bổ sung khoáng chất cho cá, cho cá ăn ở góc ao cuối gió. Nếu ao có nhiều xác tảo và rong, giảm lượng thức ăn cho cá. Khẩu phần cho cá ăn khoảng từ 6 - 8% khối lượng thân cá. Tháng nuôi thứ hai đến khi thu hoạch, số lần cho ăn 2 lần/ngày, khẩu phần cho ăn 3-5% khối lượng thân cá, theo dõi cá ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
 
Hàng ngày vệ sinh lồng lưới, loại bỏ thức ăn dư thừa, rác, túi nilon... bám vào lồng lưới. Định kỳ bảo dưỡng, vệ sinh hàu, hà bám vào dây neo, thay lưới lồng với tần suất 1-2 tháng/lần, tùy thuộc vào mức độ hà bám.
 
Bước 5: Theo dõi môi trường nước nuôi
 
Hàng ngày theo dõi sự biến động pH, nhiệt độ và hàm lượng oxy hòa tan. Định kỳ hàng tuần đo các chỉ tiêu NH3, H2S. Việc theo dõi sự biến động môi trường sẽ kịp thời xử lý, giúp hạn chế cá stress và bỏ ăn, gây bệnh.
 
Nếu hàm lượng oxy hòa tan thấp <3,5mg/l cần phải tăng cường máy chạy oxy cho cá. Nếu nhiệt độ nước quá cao, có thể che thêm lưới (lưới lan) giảm ánh sách chiếu trực tiếp xuống lồng.
Định kỳ sau 2 tháng, tiến hành san thưa cá nuôi, để giúp cá sinh trưởng tốt.
 
Bước 6: Thu hoạch
 
Thời điểm thu hoạch phụ thuộc vào kích cỡ và giá cả thị trường. Cá hồng mỹ nuôi từ 10-12 tháng sẽ đạt kích cỡ từ 0,8 – 1,2kg/con. Năng suất đạt 7-10 kg/m3.
 
Điều kiện chuyển giao
 
Nhà cung ứng hỗ trợ tư vấn thiết kế lồng bè, hỗ trợ nguồn cá giống theo quy mô nuôi trồng của khách hàng, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM).

Thông tin liên hệ
 
1. Th.S Nguyễn Thị Phương Thảo
Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam
Địa chỉ: Đường 3/2, phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Điện thoại: 0254521768
E-mail: ntpthao@rimf.org.vn

2. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Hoàng Kim
Scroll