Quy trình nuôi ghép tôm sú với cá măng

Nuôi ghép cá măng với tôm sẽ góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nước ao nuôi, nhờ đó sẽ giảm thiểu các mầm bệnh trong ao nuôi.
Thực trạng sản xuất
 
Trong những năm gần đây, nuôi tôm thâm canh ở nhiều nơi bị thiệt hại lớn do điều kiện môi trường xấu, dịch bệnh phát triển, lây lan nhanh. Để giảm thiểu rủi ro, đã có những giải pháp cải thiện môi trường nước nuôi để hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, để tránh lạm dụng hóa chất, có thể áp dụng biện pháp sinh học trong nuôi trồng tôm sạch là nuôi ghép với loài thủy sản thứ hai. Việc sử dụng các loài phụ nuôi cùng trong ao tôm sẽ cung cấp nhiều lợi ích như giảm số lượng các chất dinh dưỡng hòa tan, lọc chất rắn lơ lửng, ăn các chất hữu cơ dư thừa, cải thiện chất lượng nước và tăng cường khả năng kháng bệnh chống lại tác nhân gây bệnh.
 
 
 
Theo Th.S Nguyễn Thị Kim Vân (Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam), cá măng là loài dễ nuôi, có đặc tính ăn tạp thiên về thực vật phù du, đặc biệt thích ăn lab-lab, tảo đáy và mùn bã hữu cơ. Quy trình nuôi ghép tôm sú với cá măng sử dụng tác nhân sinh học là cá măng để giải quyết về tảo trong ao (tảo phát triển quá mức, gây tàn lụi, ô nhiễm gây hại cho tôm) và vấn đề môi trường của ao nuôi. Từ đó, giúp ổn định môi trường, tạo chất lượng nước tốt, khắc phục hiện tượng tảo tàn trong ao, giảm khí độc tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho tôm tăng trưởng nhanh, hạn chế rủi ro trong nuôi tôm. Kết quả, tạo chất lượng tôm đạt yêu cầu cho xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với quy trình nuôi tôm thông thường.
 
Ưu điểm công nghệ
 
Cá măng có cấu tạo lượt mang dày, thích hợp cho việc ăn lọc. Trong tự nhiên, cá măng ăn chủ yếu là phiêu sinh thực vật, giai đoạn cá nhỏ ăn nhiều mùn bã hữu cơ và các chất vẫn trong nước hay ở đáy thủy vực. Giai đoạn cá sau 3 tuần tuổi đặc tính thích ăn lablab và nhóm tảo lục dạng sợi.
 
Việc nuôi ghép tôm sú với cá măng sẽ giúp một số yếu tố môi trường như: pH, độ trong, ammonia tổng số, tổng lượng đạm, hydrogen sunphide, lân hòa tan và mật độ tảo trong ao có hàm lượng nhỏ hơn và biến động thấp hơn so với các ao nuôi tôm đơn. Đặc biệt ở các ao nuôi tôm sú với cá măng trong ao luôn có thành phần tảo khuê và tảo lục chiếm ưu thế, còn ở các ao tôm đơn trong ao luôn tồn tại thành phần tảo khuê, tảo lam chiếm ưu thế và mật độ biến động lớn. Do đó, nuôi ghép tôm sú với cá măng được coi là giải pháp có hiệu quả cao về kinh tế và an toàn về mặt sinh học cho tôm nuôi. Đồng thời, giúp chất lượng nước trong ao nuôi tôm tốt hơn góp phần giảm thiểu các mầm bệnh, giúp tôm nuôi khỏe và tăng năng suất tôm nuôi.
 
Th.S Nguyễn Thị Kim Vân cho biết, quy trình nuôi ghép tôm sú với cá măng đã được triển khai ở huyện Duyên Hải, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh). Kết quả cho thấy các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi ghép tốt hơn ao nuôi đơn, mật độ tảo trong ao nuôi ghép ổn định và dao động ở mức thấp hơn so với ao nuôi đơn. Tôm nuôi ghép có tốc độ tăng trưởng ổn định hơn nuôi đơn. Sau 5 tháng nuôi, tôm các ao nuôi ghép đạt từ 38,5-43 g/con (khoảng 23-26 con/kg).
 
 
 
Giải pháp áp dụng trong mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cá măng có nhiều điểm vược trội so với công nghệ nuôi tôm sú thông thường (nuôi tôm đơn). Trong đó, kết quả nuôi đơn và nuôi kết hợp thì thấy rằng các ao nuôi đơn đều thu hoạch sớm hơn so với các ao nuôi kết hợp, do tôm nuôi đơn bị bệnh. Các ao nuôi kết hợp tôm sinh trưởng tốt, môi trường ổn định nên tôm nuôi đến 180 ngày, cỡ tôm thu hoạch có khối lượng trung bình khá lớn (dao động 43,5 - 55,6g/con). Sản phẩm tôm sú sản xuất ra có chất lượng tôm sú sạch, an toàn do không sử dụng kháng sinh, cạnh tranh tốt với các sản phẩm tôm sú nuôi thâm canh thông thường.
 
Quy trình – giải pháp công nghệ
 
Bước 1: Cải tạo ao nuôi và xử lý nước chuẩn bị nuôi
 
Thiết kế ao nuôi, lắp đặt các công trình nuôi, chuẩn bị ao, cải tạo ao và xử lý nước nuôi... tuân thủ theo quy trình nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh của Tổng cục Thủy sản.
 
Hệ thống ao nuôi bao gồm: ao lắng (chiếm 20-25% 20 - 25% diện tích mặt nước nuôi), ao nuôi và ao chứa thải. Có mương cấp và mương tiêu riêng. Mức nước trong ao đảm bảo từ 1,5-2m, ao không rò nước. Bờ ao có thể lót bạt, xung quanh bờ có lưới chắn cao 0,8 – 1m tránh cá nhảy ra ngoài và hạn chế cua còng bò vào. Ao có cống cấp và cống thoát riêng. Cao trình đáy của cống cấp cao hơn đáy ao từ 0,8-1m. Cao trình đáy cống thoát thấp hơn đáy ao từ 0,2-0,3m.
 
Tháo cạn nước trong ao sên vét làm sạch lớp bùn ở đáy ao loại bỏ các địch hại, chất hữu cơ ở đáy ao bón vôi điều chỉnh pH lấy nước vào ao qua lưới lọc xử lý nước bằng Chlorin (30 g/m3) gây màu nước (nếu màu nước chưa đạt yêu cầu). Kiểm tra lại chất lượng nước ao nuôi đạt yêu cầu trước khi thả giống (độ pH 7,5-8,5, độ kiềm: 80-150 mg/l, độ mặn 10-25‰, NH3-N < 0,1 mg/l, độ trong 30-40 cm). Số lượng quạt nước và hệ thống sục khí đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong ao luôn > 4mg/l.
 
Bước 2: Chọn giống
 
Chọn giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng và không nhiễm các mầm bệnh.
 
Tôm giống: chọn loại đồng đều khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng. Cỡ giống PL15, chiều dài lớn hơn 1,2cm. Chất lượng con giống phải đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9398:2012 tôm biển.
Cá măng giống: Khỏe mạnh, không bị dị hình, màu sắc tươi sáng và không trầy xước, không nhiễm bệnh. Cá có kích thước chiều dài thân từ 5-10 cm, hoặc cá có trọng lượng từ 2-5g/con.
 
Bước 3: Cho ăn
 
Cho tôm ăn loại thức ăn viên công nghiệp chuyên dùng nuôi tôm sú có hàm lượng protein trên 40%. Cho ăn 3- 4 lần/ngày, liều lượng theo hướng dẫn. Trong 5 ngày đầu cho 1,2 - 1,5 kg/100.000 con giống, sau đó cứ 2 ngày tăng lên khoảng 0,2 - 0,3 kg/100.000 con giống. Từ tháng nuôi thứ hai đến khi thu hoạch: Theo dõi sàn ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm khi nhiệt độ tăng hoặc giảm, mưa nhiều, pH biến động, giai đoạn tôm lột xác hoặc lúc thiếu oxy,… Cho tôm ăn thức ăn đủ chất, đúng lượng. Theo dõi khả năng bắt mồi của tôm và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp theo từng ngày.
 
Cho cá măng ăn loại thức ăn viên công nghiệp dạng thức ăn nổi (dùng cho nuôi cá rô phi, cá chim). Trong tháng đầu lượng tảo trong ao ít, nên bổ sung thêm thức ăn cho cá măng. Cho cá ăn trước khi cho tôm ăn 30 phút (ở lần ăn ban ngày). Cho cá ăn ở góc ao cuối gió. Nếu ao có nhiều xác tảo và rong, giảm lượng thức ăn cho cá. Lượng thức ăn cho cá bổ sung khoảng từ 1,0-1,5% khối lượng cá.
 
Có thể bổ sung men tiêu hóa (10g/kg thức ăn) cho ăn 2 lần/ngày, vitamin tổng hợp (10g/kg thức ăn) cho ăn 1 lần/ngày.
 
Bước 4: Quản lý môi trường nước nuôi
 
Thường xuyên theo dõi sự biến động các yếu tố môi trường nước trong ao như: pH oxy hòa tan, độ kiềm, NH3, NO2, H2S. Quản lý môi trường ao nuôi và duy trì trong khoảng thích hợp: NH3<0,1 mg/l, H2S<0,03 mg/l, oxy hòa tan >4mg/l, kiềm 80-130 mg/l. Theo dõi hàm lượng oxy hòa tan vào ban đêm (khuya): duy trì oxy hòa tan trong ao nuôi luôn luôn trên 4 mg/L.
 
Định kỳ 5 ngày/lần kiểm tra mật độ vi khuẩn Vibrio và xác định số lượng khuẩn lạc xanh có trong nước, để phòng bệnh hoại tử gan tụy. Định kỳ 10 ngày/lần cấy men vi sinh) và dùng Iodin (1lít/5.000 m3 nước) diệt khuẩn trong nước khi mật độ vi khuẩn trên 1.000 CFU/mL hoặc số lượng khuẩn lạc xanh chiếm 1/3 trong tổng số vi khuẩn.
 
Bước 5: Thu hoạch
 
Thời gian nuôi ghép cá măng với tôm sú kèo dài từ 120 - 130 ngày. Chọn thời điểm thu hoạch phù hợp nhất khi tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm và giá cả hợp lý.
 
Thu tôm và cá măng cùng lúc. Hoặc thu tôm trước, thu cá măng chuyển sang ao lắng nuôi tiếp đến khi cần thu hoạch.
 
Phương pháp thu hoạch: dùng lưới kéo tôm, bắt cả tôm và cá đến khi tôm bắt được rất ít thì ngừng lại. Sau đó tháo cạn nước và thu vét.

Điều kiện chuyển giao
 
Cơ sở sản xuất có hạ tầng về ao nuôi hoàn thiện, diện tích từ 1.500-5.000m2. Ao nuôi có kết cấu nền đất chặt chẽ, giữ nước tốt, thuận tiện cho việc cấp và thoát nước. Nguồn nước không bị ô nhiễm và đảm bảo các yếu tố môi trường cơ bản như đã nêu trong quy trình.
 
Nhà cung ứng sẽ hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của khách hàng, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM).
 
Thông tin liên hệ
 
1. Th.S Nguyễn Thị Kim Vân
Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam
Địa chỉ: Đường 3/2, phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Điện thoại: 0254521768
E-mail: ntkvan@rimf.org.vn
 
2. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Hoàng Kim
Scroll