Quy trình kỹ thuật canh tác cây oải hương trồng chậu

Quy trình xác định được các thông số kỹ thuật thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây oải hương trồng chậu tại TP.HCM. Từ đó tạo ra các biện pháp canh tác cây oải hương trồng chậu theo hướng công nghệ cao, góp phần cung cấp cho thị trường hoa kiểng một loại hoa mới.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Oải hương (Lavandula angustifolia Mill.) là một trong những loại cây kiểng đẹp rất được ưa chuộng hiện nay. Không chỉ đẹp, oải hương còn là cây kiểng thơm được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, nước hoa và các ngành công nghiệp dược phẩm. Cây tỏa ra hương thơm dễ chịu, giúp giải tỏa căng thẳng, tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Hoa và lá được sử dụng để làm thuốc, tinh dầu hoặc trà thảo dược. Hoa cũng được sử dụng trong các món ăn. Tinh dầu từ hoa oải hương thường được sử dụng trong nhựa thơm, nước hoa, mỹ phẩm và các ứng dụng tại chỗ. Tinh dầu hoa oải hương có tính sát trùng và chống viêm, được sử dụng trong các bệnh viện để khử trùng sàn nhà và tường.
 
Ở nước ta, oải hương chỉ mới trồng ở một số ít vườn tại Đà Lạt, Hà Nội và được nhiều người biết đến qua các loại nước hoa, túi thơm và sản phẩm dược liệu. Nhu cầu sử dụng hoa oải hương trong y học, làm đẹp, ẩm thực ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước vẫn chưa được đảm bảo do những khó khăn trong quá trình trồng trọt, chăm sóc.
 
Thị trường hoa kiểng TP.HCM là một thị trường tiêu thụ lớn, tuy nhiên, cây oải hương chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc chuyển từ Đà Lạt về và bán với mức giá khá đắt đỏ, 150.000 - 200.000 đồng/cây.
 
Từ năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao đã nghiên cứu khảo nghiệm chọn được hai giống oải hương thích hợp trồng chậu tại TP.HCM là Ellagance Purple và Ellagance Pink. Đồng thời xác định được các kỹ thuật nhân giống cây oải hương bằng phương pháp gieo hạt và giâm cành. Hai giống oải hương này có hiệu quả kinh tế cao.
 
Tuy nhiên, cần tiếp tục phát triển các kỹ thuật canh tác để làm tăng cao hơn nữa tỷ lệ cây con xuất vườn của hai giống oải hương Ellagance Purple và Ellagance Pink; chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác cây oải hương trồng chậu cho người sản xuất hoa kiểng để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận cho người sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường cây kiểng hiện nay.
 
Quy trình và phương pháp thực hiện
Quy trình kỹ thuật canh tác cây oải hương trồng chậu
 
 
 
Phần 1: Phạm vi áp dụng quy trình
Áp dụng cho tất cả các vùng trồng cây oải hương trong nhà màng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác có điều kiện tự nhiên tương tự.
 
Phần 2: Quy trình kỹ thuật trồng
Bước 1: Chuẩn bị nhà màng
 
Nhà màng được thiết kế theo kiểu mái thông gió cố định, độ truyền sáng từ 85 - 90%, chiều cao từ mặt đất đến máng xối là 4 - 4,75m, khẩu độ mỗi gian nhà là 8m, bước cột là 4m, mái được lợp bằng màng PE dày 150 micron và vách xung quanh được che bằng lưới chắn côn trùng dày 50 mesh. Nhà màng có lưới che sáng màu xanh loại che 50% cường độ ánh sáng.
 
Bước 2: Chọn giống
 
- Tùy theo điều kiện và nhu cầu của thị trường, có thể chọn nhiều giống oải hương phù hợp. Có thể sử dụng các loại hạt giống oải hương Ellagance Purple, Ellagance Pink có xuất xứ từ Mỹ, được phân phối bởi Công ty Hạt giống Hoa Việt Nam.
 
- Đặc điểm giống:
 
+ Thân cây khỏe, cho nhiều nhánh, nhánh phủ đầy mặt chậu.
 
+ Thích hợp với thời tiết lạnh, nắng vừa.
 
+ Nhiệt độ gieo trồng 15 - 20℃.
 
+ Hạt thô. Trọng lượng 700 - 1.000 hạt/g.
 
+ Phủ hạt: có.
 
+ Nảy mầm: 4 - 5 ngày.
 
+ Chiều cao cây: 30 - 35cm.
 
+ Sang chậu (từ ngày gieo hạt): 35 - 40 ngày.
 
+ Ra hoa đầu tiên (từ ngày sang chậu): 70 - 100 ngày.
 
Bước 3: Chuẩn bị cây con
 
- Bằng phương pháp gieo hạt:
 
+ Khay ươm gieo hạt: khay ươm thường làm bằng vật liệu mốp xốp, có kích thước dài 50cm, rộng 30cm, cao 5cm (loại 50 lỗ/khay).
 
+ Thành phần giá thể: sử dụng mụn dừa, tro trấu và phân trùn quế để làm giá thể gieo hạt với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu (tính theo thể tích). Hoặc sử dụng giá thể gieo hạt Klasmann 424 có xuất xứ từ Mỹ, được phân phối bởi Công ty Hạt giống Hoa Việt Nam, thành phần gồm 100% rong thủy đài.
 
+ Gieo hạt: xử lý hạt giống trước khi gieo: hạt giống oải hương được ngâm trong nước ấm (2 sôi + 3 lạnh) trong 24 giờ, sau đó vớt hạt giống ra đem ủ đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo. Sử dụng giá thể gieo hạt Klasmann 424 có xuất xứ từ Mỹ, sử dụng khay ươm bằng xốp loại 50 lỗ, có kích thước dài 50cm, rộng 35cm, cao 5cm để gieo hạt. Giá thể Klasmann 424 được cho vào đầy lỗ mặt khay với độ nén vừa phải. Hạt giống oải hương (đã được ngâm ủ và nứt nanh) được gieo trực tiếp vào khay xốp, mỗi lỗ gieo 1 hạt, có lấp hạt. Sau đó, tiến hành tưới nước phun sương đủ ẩm cho khay, xếp khay chồng lên nhau và đặt trong nhà ươm có mái che mưa, lưới cắt nắng 50% và lưới chắn côn trùng. Sau 1 - 2 ngày, cây con bắt đầu nhô lên khỏi mặt giá thể, tiến hành trải khay ra và tưới nước hàng ngày. Trong quá trình chăm sóc cây con, lưu ý phòng trừ sâu, bệnh hại cây. Sau 30 ngày gieo hạt, cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn ươm, tiến hành trồng cây con vào chậu nhựa.
 
* Bằng phương pháp giâm cành:
 
- Cành giâm được chọn là cành bánh tẻ có ngọn, được cắt từ cây oải hương (3 - 4 tháng tuổi) khỏe mạnh, không bị sâu, bệnh hại. Quy cách cành giâm như sau:
 
 
 
- Cách tiến hành giâm cành: cắt bỏ các lá từ phần gốc cành giâm khoảng 2cm, các lá còn lại giữ nguyên, sau đó đem cành giâm nhúng vào các dung dịch NAA nồng độ 300ppm (đối với giống Ellagance Pink) hoặc 400ppm (đối với giống Ellagance Purple) trong 10 giây, đem giâm vào khay xốp có chứa giá thể gồm 50% mụn dừa + 50% tro trấu, mỗi lỗ giâm 1 cành, tưới nước phun sương với liều lượng 0,5L nước/4 khay. Cuối cùng đặt khay giâm trong điều kiện nhà ươm có mái plastic che mưa và che lưới cắt nắng 70%, hàng ngày tưới nước giữ ẩm cho các khay giâm. Sau 35 ngày giâm cành, cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn ươm, tiến hành trồng cây con vào chậu nhựa.
 
Bước 4: Chuẩn bị giá thể trồng
 
Giá thể trồng dùng cho cây oải hương gồm mụn dừa, tro trấu, phân trùn quế.
 
Cách xử lý giá thể trước khi sử dụng: mụn dừa cần được xử lý chất chát bằng cách ngâm và xả nước từ 7 - 10 ngày, khi thấy nước xả đã trong, có thể sử dụng được. Tro trấu được ủ nóng bằng cách đổ thành đống, tưới nước lên để độ ẩm giá thể đạt khoảng 60 - 70%, sau đó dùng bạt che phủ lại, hàng ngày tưới nước lên đống giá thể, sau 15 ngày có thể sử dụng được.
 
Giá thể sau khi xử lý, đem phối trộn với nhau theo tỷ lệ 40% mụn dừa + 40% tro trấu + 20% phân trùn quế (tính theo thể tích), sau đó cho vào mỗi chậu nhựa 200 x 150mm khoảng 90% thể tích chậu với độ nén vừa phải.
 
Bước 5: Chuẩn bị hệ thống tưới nhỏ giọt
 
- Kiểu lắp đặt và bố trí hệ thống tưới: trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cần có bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc, van từ và đồng hồ hẹn giờ (timer).
 
- Sử dụng loại dây tưới nhỏ giọt với chiều dài dây tưới là 60cm, đường kính là 4mm. Dây tưới này được cắm trực tiếp vào đường ống dẫn dinh dưỡng theo hàng với đường kính ống là Ф16. Bố trí mỗi hàng 1 đường dây dẫn, mỗi chậu nhựa được cắm 1 dây tưới nhỏ giọt nên mật độ dây tưới tương đương mật độ đặt chậu.
 
Bước 6: Trồng và chăm sóc
 
- Tiêu chuẩn cây con: sau 30 ngày gieo hạt, cây con có chiều cao 4 - 5cm, có 3 - 4 cặp lá, cây con khỏe mạnh, đồng đều, xanh đẹp, không dị hình, không bị dập nát, ngọn phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại.
 
- Mật độ đặt chậu: tiến hành đặt chậu theo hàng đôi, khoảng cách hàng đôi là 0,5m, khoảng cách hàng đơn là 0,3m, khoảng cách chậu cây là 0,4m, mật độ là 6.250 chậu cây/1.000m2.
 
- Mỗi chậu được trồng 1 cây oải hương, nên trồng cây con vào buổi chiều mát, khi trồng đặt cây nhẹ nhàng để tránh tổn thương cây con, không nén giá thể quá chặt. Sau khi trồng phải tưới nước ngay để cây không bị héo.
 
- Bấm ngọn và xử lý paclobutrazol: tiến hành bấm ngọn 1 lần (khi cây có 8 cặp lá, bấm chừa lại 5 cặp lá) kết hợp với xử lý paclobutrazol nồng độ 100ppm cho cây oải hương (sau khi bấm ngọn 7 ngày) giúp cây thon gọn, tán cây đều, phân cành nhiều, hạn chế đổ ngã cây, tạo dáng cây đẹp, tăng số phát hoa nở đồng loạt.
 
 
Phát hoa của hai giống oải hương Ellagance Purple và Ellagance Pink 
 
Bước 7: Chế độ tưới nước và dinh dưỡng
 
- Nưới tưới: sử dụng nguồn nước sạch, pH = 6,0 - 6,5. Sử dụng nguồn nước giếng khoan không nhiễm mặn, phèn, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.
 
- Dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Cây oải hương được tưới bón theo dinh dưỡng và chế độ tưới như sau:
 
 
 
- Nhổ cỏ dại trong chậu, có thể xới giá thể nhưng không được làm tổn thương đến rễ cây.
 
Bước 8: Phòng trừ sâu bệnh hại
 
- Phòng trừ sâu hại: cây oải hương có thể bị một số loại sâu hại như sâu ăn lá Chrysodeixis eriosoma (green looper caterpillar); Cacyreus marshalli (pelargonium butterfly); rầy xanh (Acyrthosiphon malvae sp.); bọ phấn trắng (Trialeurodes vaporariorum); nhện (Phytonemus pallidus); rệp sáp (Pseudococcus sp.). Phòng trừ bằng các loại thuốc như Takumi 20WG (Flubendiamide) phun với nồng độ 0,5g/L, Ascend 20sp (Acetamiprid) phun với nồng độ 1g/L, Ortus 5SC (Fenpyroximate) phun với nồng độ 1mL/L, Movento 150OD (Chlorpyrifos Ethyl) phun với nồng độ 1mL/L. Nếu cây bị sâu hại trên diện rộng, cần cắt tỉa và loại bỏ những cành, lá bị nặng. Đối với rệp sáp, có thể kết hợp thuốc trừ rệp sáp với xà phòng và phun nước để trôi bớt chúng.
 
- Phòng trừ bệnh hại: cây oải hương có thể bị một số bệnh như thối đen (Pythyum sp.), lở cổ rễ (Rhizoctonia solani), đốm lá do vi khuẩn (Xanthomonas campestris pv. Pelargonii). Phòng trừ bằng các loại thuốc như Daconil 75WP (Chlorothalonil) phun với nồng độ 1g/L, Ridomil 68WP (Metalaxyl M 4% và Mancozeb 64%) phun với nồng độ 5g/L, Kasumin 2L (Kasugamycin) phun với nồng độ 2mL/L. Cần hạn chế tưới nước nếu cây dư nước.
 
Bước 9: Xuất vườn
 
Cây oải hương sau 5 - 6 tháng trồng đạt tiêu chuẩn thì xuất vườn.
 
 
Cây oải hương Ellagance Purple xuất vườn
 
Cây oải hương Ellagance Pink xuất vườn 
 
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Quy trình đã xác định và áp dụng các điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng, phát triển của cây oải hương trồng chậu: dung dịch dinh dưỡng có 250ppm N + 250ppm K (từ trồng đến trước khi xuất hiện phát hoa) và 200ppm N + 250ppm K (từ khi xuất hiện phát hoa đến xuất vườn) thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây oải hương trồng chậu với tỷ lệ cây xuất vườn tối ưu cho hai giống Ellagance Purple và Ellagance Pink (88% và 85%).
 
Sử dụng NAA nồng độ 400ppm thích hợp cho giâm cành oải hương Ellagance Purple với tỷ lệ cành giâm ra rễ và tỷ lệ cây con xuất vườn đạt cao nhất (81,3%). Sử dụng NAA nồng độ 300ppm thích hợp cho giâm cành oải hương Ellagance Pink với với tỷ lệ cành giâm ra rễ và tỷ lệ cây con xuất vườn đạt cao nhất (78,3%).
 
Việc bấm ngọn 1 lần (khi cây có 8 cặp lá, bấm chừa lại 5 cặp lá) kết hợp với xử lý paclobutrazol nồng độ 100ppm (sau khi bấm ngọn 7 ngày) thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây oải hương Ellagance Purple và Ellagance Pink trồng chậu với kết quả cây xuất vườn có các ưu điểm nổi bật. Cụ thể, giống oải hương Ellagance Purple có cây cao trung bình 28,5cm, cây không đổ ngã, tán cây đồng đều, phủ kín chậu, số phát hoa nở đồng loạt nhiều (5,4 phát hoa). Giống oải hương Ellagance Pink có cây cao trung bình 26,3cm, cây không đổ ngã, tán cây đồng đều, phủ kín chậu, số phát hoa nở đồng loạt nhiều (6,8 phát hoa).
 
Quy trình được áp dụng tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao với hiệu quả kinh tế sản xuất 3.000 chậu cây oải hương trên 500m2 trong 6 tháng/vụ như sau:
 
 
 
Quy trình có thể chuyển giao cho người sản xuất hoa kiểng, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Các đơn vị ứng dụng sẽ có điều kiện sản xuất và kinh doanh cây kiểng mới, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm và tăng doanh thu cho đơn vị.
 
Hiện nhóm tác giả đang tiếp tục hợp tác với Sàn Giao dịch công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) để sẵn sàng chuyển giao quy trình cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.
 
Thông tin chuyên gia, hỗ trợ
1. KS. Nguyễn Hoàng Duy Lưu
Điện thoại: 0909586801
Email: duyluu8668@gmail.com
 
2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: (028) 6886 2726
 
3. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: pgdcn@cesti.gov.vn 
Lam Vân
Scroll