Chuyển giao quy trình nuôi lươn thương phẩm trong nhà bằng hệ thống tuần hoàn

Với diện tích sàn 84m2, sản lượng lươn thương phẩm đạt khoảng 3 tấn/vụ, thu hoạch sau 6-8 tháng nuôi.
Thực trạng sản xuất
Nuôi lươn thương phẩm trong nhà (không bùn) bằng hệ thống tuần hoàn là giải pháp ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước để nuôi trồng thủy sản trong nhà hoặc khu vực có mái che, nhằm kiểm soát tốt điều kiện nuôi (khống chế pH, biên độ dao động nhiệt độ), hạn chế mầm bệnh xâm nhập đồng thời tiết kiệm nước (do được xử lý để tái sử dụng hoàn toàn), không xả thải ra môi trường ngoài. Việc triển khai giải pháp nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn giúp giảm đáng kể công thay nước mỗi ngày, rất phù hợp cho quy mô nuôi trồng nhỏ và vừa như hộ gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản (có phân chia khu vực đặt bể, khay nuôi).
 
 
Mô hình nuôi lươn tuần hoàn diện tích 84m2 (sản lượng 3 tấn/vụ) 
 
Đưa lươn từ đồng ruộng vào nuôi trong nhà là phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ mới, giúp tách biệt lươn với môi trường bên ngoài vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người nuôi.
 
Quy trình nuôi lươn thương phẩm trong nhà bằng hệ thống tuần hoàn đã được chuyển giao cho Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang. Lươn nuôi trong hệ thống tuần hoàn đạt trọng lượng thương phẩm là 200-250g sau khoảng 8 tháng (lươn tăng 3-5% trọng lượng mỗi ngày), nhanh hơn 2 tháng so với phương pháp nuôi có bùn truyền thống.
 
Hiện nay, Sàn Giao dịch Công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM – Sở KH&CN TP.HCM) đang tiếp tục đồng hành cùng nhà cung ứng trong hoạt động hỗ trợ kết nối, tư vấn chuyển giao công nghệ, thiết bị cho doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu.
 
Quy trình sản xuất
Bước 1: Chuẩn bị hệ thống nuôi tuần hoàn
Hệ thống phải được thiết kế và thi công theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo quá trình thực hiện đúng và đạt hiệu quả kinh tế. Diện tích hệ thống 84m2 (12x7m) bao gồm 6 bể nuôi (3x3x0,8 m) và 1 hệ thống xử lý tuần hoàn nước.
 
Hệ thống tuần hoàn bao gồm: bể nuôi, thiết bị lọc cơ học (để loại bỏ chất thải rắn, thức ăn dư thừa, bùn cặn), thiết bị lọc sinh học (để giảm thiểu độc tố ammonia), thiết bị khử khí CO2 trong nước, thiết bị bổ sung và kiểm soát oxy, thiết bị diệt khuẩn bằng tia UV, hệ thống giám sát chung cho cả quy trình nuôi. Hệ thống dùng lưới lọc để xử lý nước thải đầu vào (lọc chất thải trước khi lọc sinh học), còn chlorine chỉ được dùng để xử lý nước bên ngoài bể chứa (để diệt mầm bệnh), sau đó oxy hóa dư lượng rồi mới đưa vào hệ thống. Vì thế, hệ thống tuần hoàn không dùng bất cứ hóa chất nào nhằm bảo vệ vi sinh cho chu trình lọc sinh học. Hệ thống lọc sinh học được tính theo vòng quay 24 giờ, tức là cứ sau 24 giờ thì chỉ số nitơ lại quay lại giá trị ban đầu để tránh tình trạng tích lũy nitric.
 
Bước 2: Chuẩn bị lươn giống
Kích cỡ lươn giống; 500-1.000 con/kg. Nhà cung ứng nhận hỗ trợ cung cấp lươn giống, thức ăn, thuốc và quy trình kỹ thuật nuôi trọn gói cho bên nhận chuyển giao.
 
Lươn giống được sản xuất bằng công nghệ tuần hoàn không sử dụng kháng sinh. Lươn giống đã được tập cho ăn bằng thức ăn công nghiệp dạng viên.
 
Bước 3: Chăm sóc và quản lý
Lươn được cho ăn hàng ngày vào các mốc thời gian là 8 giờ và 17 giờ.
 
Loại thức ăn là thức ăn viên 40-45% đạm.
 
Người nuôi thường xuyên theo dõi và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường (amonia, nitrit, pH, nhiệt độ...) bằng test kit, máy đo cầm tay hoặc trang bị hệ thống quan trắc môi trường tự động.
 
Bước 4: Thu hoạch
Lươn đạt kích cỡ thương phẩm sau khoảng 8 tháng (lươn tăng 3-5% trọng lượng mỗi ngày). Trọng lượng trung bình từ 150g/con trở lên là có thể thu hoạch được.
 
Sau 8 tháng, lươn nuôi trong hệ thống tuần hoàn đạt trọng lượng thương phẩm từ 200-250g, nhanh hơn 2 tháng so với phương pháp nuôi có bùn truyền thống.
 
Ở mô hình nuôi lươn tuần hoàn diện tích 84m2, sản lượng lươn thu hoạch vào khoảng 3 tấn/vụ.
 
Các điều kiện triển khai
Nhà cung ứng tư vấn và thiết kế hệ thống nuôi lươn trong nhà bằng hệ thống tuần hoàn theo yêu cầu của bên nhận chuyển giao (mô hình 84m2 hoặc mô hình tùy biến theo mặt bằng bố trí).
 
Nhà cung ứng lắp đặt các thiết bị trong hệ thống tại nơi sản xuất.
 
Nhà cung ứng hướng dẫn các kỹ thuật vận hành hệ thống, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch lươn.
 
Các bên cùng theo dõi các số liệu, điều chỉnh thông số kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
 
Ưu điểm của công nghệ
Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, đồng thời có khả năng tách chất thải tự động khỏi nước nuôi lươn giúp loại bỏ công đoạn xả thải, tái sử dụng nước và không gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống có thể tuần hoàn nước 100%, chỉ hao hụt do quá trình bốc hơi. Nếu sản xuất bằng nước ngọt thì người dân có thể lấy nước thải ra để trồng rau, nuôi cá, khoảng vài chục lít/ngày.
 
Để bù chi phí điện năng, người dân có thể tăng diện tích nuôi, hoặc dùng những máy bơm hiệu suất cao hơn (70 khối/giờ, mất khoảng 360-400W) tùy mục đích sử dụng. Nếu so sánh chi tiết, năng suất hệ thống ở mô hình triển khai khoảng 1 tấn lươn/vụ, tiêu thụ 600W/giờ, tức là khoảng 8-9 triệu tiền điện cho cả vụ. Khi đó, chi phí sản xuất bằng khoảng 50% giá lươn thành phẩm.
 
Hệ thống có thể lắp đặt và xây dựng trong nhà và ở nhiều nơi khác nhau, dễ kiểm soát dịch bệnh, dễ chăm sóc và kiểm soát lượng thức ăn.
 
Hệ thống có quy mô nhỏ gọn nhưng cho năng suất cao hơn phương pháp nuôi truyền thống, có thể ứng dụng để nuôi nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.
 
Thông tin liên hệ chuyên gia:
1. ThS. Lê Ngọc Hạnh
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II
Địa chỉ: 116 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38299592 - 38230676
E-mail: ria2@mard.gov.vn
 
2. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Hoàng Kim
Scroll