Techmart Công nghệ sinh học 2020: Máy phát hiện sâu răng sử dụng công nghệ cận hồng ngoại

Là một trong những sản phẩm sẽ được Khoa Kỹ thuật Y sinh (Trường Đại học Quốc Tế - ĐHQG TP.HCM) giới thiệu tại Techmart Công nghệ sinh học 2020 do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tổ chức vào các ngày 5-6/11 sắp tới.
Đây là kết quả nghiên cứu của Khoa Kỹ thuật Y Sinh, do PGS.TS. Phạm Thị Thu Hiền làm chủ nhiệm. Máy có khả năng phát hiện sâu răng sớm bằng cách áp dụng công nghệ ánh sáng cận hồng ngoại (NIR) để ghi lại hình ảnh răng sâu của bệnh nhân, sau đó hình ảnh này được hiển thị lên màn hình LCD (5 inches, có độ phân giải 800x480 Px).
 
 
 
Theo PGS.TS. Phạm Thị Thu Hiền, để đạt được kết quả này, răng của bệnh nhân được chiếu sáng bằng ánh sáng cận hồng ngoại từ 2 đèn LED có bước sóng 780 nm. Sau đó, bộ xử lý Raspberry Pi Model 3 (kết nối với NoIR Camera Board V2) được sử dụng như một thành phần thu nhận và xử lý hình ảnh. Các hình ảnh thu được sẽ chuyển đến Raspberry để thực hiện các kỹ thuật lọc và xử lý ảnh trước khi hiển thị lên màn hình LCD. Các bác sĩ có thể lưu trữ lại hình ảnh trên máy tính để theo dõi tình hình phát triển của sâu răng và quá trình điều trị.
 
Sản phẩm được thiết kế dạng cầm tay, kích thước 3,5x5x20 cm, gồm màn hình LCD, bộ vi xử lý Raspberry, camera hồng ngoại, bộ nguồn, mạch LED và hộp thiết kế. Hộp sản phẩm được thiết kế bằng phương pháp in 3D (PLA filament).
 
 
Kết quả chụp trên răng dưới ánh sáng thường (A); chụp bằng tia X (B); chụp bằng công nghệ NIR (C)
Hiện nay, sâu răng là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất trên thế giới đối với con người. Mặc dù các giai đoạn khác nhau của bệnh đã được biết đến, nhưng rất ít người thực sự bị ảnh hưởng bởi giai đoạn sớm của sâu răng, điều này dẫn đến sự chủ quan trong việc chăm sóc răng miệng. Ở hầu hết các nước phát triển, 60-90% trẻ em trong độ tuổi đi học bị sâu răng ở giai đoạn sớm. Tỷ lệ mắc bệnh ở người lớn thậm chí còn cao hơn, với khoảng 100% dân số, ở hầu hết các quốc gia. Khi sâu răng được phát hiện ở giai đoạn trễ hoặc ở mức độ nặng hơn, cả bệnh nhân và bác sĩ đều sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khám chữa bệnh. 
 
 
Máy phát hiện sâu răng nêu trên có ưu điểm là giúp chẩn đoán sâu răng ở giai đoạn sớm, tạo ra giải pháp hiệu quả để phát hiện sâu răng mà không xâm lấn và ứng dụng kỹ thuật chụp ảnh thời gian thực của công nghệ NIR. Các bác sĩ nha khoa sẽ không gặp khó khăn trong việc phát hiện sâu răng để có các phác đồ điều trị hợp lý cho từng giai đoạn. Nhờ đó, tiết kiệm đáng kể thời gian so với các phương pháp truyền thống và an toàn hơn so với phương pháp chụp X-quang. Ngoài ra, máy thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng mang theo, dễ sử dụng và có thể chia sẻ quá trình chẩn đoán với bệnh nhân; cho hình ảnh chính xác và rõ nét, không ảnh hưởng đến sức khỏe và tạo cảm giác thoải mái, an toàn cho bệnh nhân; giá thiết bị (khoảng 20 triệu đồng) thấp hơn đáng kể so với các thiết bị khác hiện có trên thị trường (rẻ nhất là 3.000 USD).
 
Bên cạnh máy phát hiện sâu răng, đến với Techmart Công nghệ sinh học 2020, Khoa Kỹ thuật Y Sinh cũng đã giới thiệu máy soi tĩnh mạch ứng dụng công nghệ NIR. Máy dùng để chụp các hình ảnh tĩnh mạch trong thời gian thực từ bệnh nhân và chiếu lại hình ảnh lên da của họ giúp quan sát rõ ràng các tĩnh mạch. Thiết kế máy bao gồm hai nguồn sáng NIR có bước sóng 850 nm và 760 nm, một gương nóng 45º, một camera NoIR để chụp ảnh, một DLP Lightcrafter Display 2010 EVM và một bộ điều khiển vi mô Raspberry Pi 3 mode B. Đây là sản phẩm hỗ trợ bác sĩ xác định vị trí tĩnh mạch an toàn, nhanh chóng và chính xác, giá thành thấp (khoảng 20 triệu đồng).
 
Để biết thêm thông tin, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ
Phòng Thông tin Công nghệ
79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
ĐT: (028) 3521 0735 - 3825 0602
ĐTDĐ: 0968 845 770 (gặp chị Hương)
Email: tmhuong@cesti.gov.vn 
Lam Vân
Scroll