Nghiệm thu nhiệm vụ sản xuất băng gạc kháng khuẩn từ polycaprolactone

Sản phẩm có công dụng kháng khuẩn tốt, đồng thời có tác dụng giữ vết thương thông thoáng và hút dịch dư của vết thương, giúp quá trình làm lành vết thương đạt hiệu quả tốt hơn.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu quy trình sản xuất vật liệu kháng khuẩn dạng màng ứng dụng chế tạo băng gạc ở quy mô pilot”. Đây là nhiệm vụ do Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) chủ trì thực hiện.
 
banggackhangkhuan.jpg
 
PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, nhóm thực hiện đã tiến hành khảo sát quy trình sản xuất băng gạc kháng khuẩn từ polycaprolactone (PCL), nano bạc (Ag) kết hợp oligomer chitosan (Cs). Cụ thể, nhóm đã chế tạo dung dịch PCL chứa nano Ag để tạo màng PCL tải nano Ag, chế tạo màng phun Oligomer Chitosan. Từ những nguồn nguyên liệu này, nhóm chế tạo sản phẩm băng gạc từ màng PCL-Ag-Cs, gồm 2 lớp: màng PCL chứa các hạt nano Ag (được tổng hợp bằng phương pháp electrospinning), lớp phủ hỗn hợp gồm oligomer chitosan (Cs) và polyvinylpyrrolidone (PVP).
 
Trong các loại vật liệu đã được sử dụng chế tạo màng thì PCL được chú trọng nhờ vào tính chất cơ lý tốt, tính tương hợp sinh học cao và màng PCL làm từ phương pháp electrospinning rất khó biến dạng trong điều kiện nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ phòng. Công nghệ màng electrospinning là công nghệ đơn giản nhưng có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao vì khả năng tạo màng mỏng dẫn đến tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sản xuất. Hơn nữa, công nghệ này đang dần được ưa chuộng trong ngành y học do tính đa năng (có khả năng ứng dụng cho mọi loại vật liệu). Ngoài việc có khả năng tạo ra màng có tính chất giống băng gạc truyền thống, băng gạc làm từ phương pháp electrospinning còn có nhiều ưu điểm như: thoáng khí, dễ tổng hợp và đặc biệt là rất dễ thêm các chất khác nhằm tăng kháng khuẩn như Ag, gentamicin... hỗ trợ lành thương như thêm protein, các hoạt chất tăng sinh tế bào.
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp, nhờ được bổ sung lớp phủ oligomer chitosan nên sản phẩm băng gạc từ màng PCL-Ag-Cs không chỉ có công dụng kháng khuẩn, mà còn có tác dụng giữ vết thương thông thoáng và hút dịch dư của vết thương, giúp quá trình làm lành vết thương đạt hiệu quả tốt hơn. Thử nghiệm trên thỏ, sau 30 ngày, vết thương đắp băng gạc PCL-Ag-Cs cho kết quả lành thương tốt hơn đắp gạc cotton. Tốc độ lành thương tương đồng với mẫu băng gạc Betaplast Silver. Sản phẩm cũng có thể dùng cho vết thương bỏng.
 
Được biết, hiện quy trình sản xuất quy mô pilot đã ổn định, sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp ứng dụng ngay vào sản xuất.
Hoàng Kim (CESTI)
Scroll