Giải pháp nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn

Đây là giải pháp phù hợp cho quy mô nuôi trồng nhỏ và vừa như hộ gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản (có phân chia khu vực đặt bể, khay nuôi).
Lươn nuôi trong hệ thống tuần hoàn đạt trọng lượng thương phẩm là 200-250g sau khoảng 8 tháng (lươn tăng 3-5% trọng lượng mỗi ngày), nhanh hơn 2 tháng so với phương pháp nuôi có bùn truyền thống.
 
Nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn là giải pháp ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước để nuôi trồng thủy sản trong nhà hoặc khu vực có mái che, nhằm kiểm soát tốt điều kiện nuôi (khống chế pH, biên độ dao động nhiệt độ), hạn chế mầm bệnh xâm nhập đồng thời tiết kiệm nước (do được xử lý để tái sử dụng hoàn toàn), không xả thải ra môi trường ngoài. Giải pháp này được ứng dụng để nuôi cả lươn giống lẫn lươn thịt (lươn thương phẩm).
 
Mô hình đã triển khai bao gồm 4 bể nuôi (kích thước 4x1,2x0,8m), được bố trí trong diện tích sàn 60m2 (4x15m). Lươn được nuôi trong bể (đặt trong nhà), mực nước nuôi khoảng 40cm. Năng suất dự kiến đạt 50kg/m2. Sau 28 ngày nuôi (6/3-4/4/2021), tỷ lệ lươn sống đạt 98-99%, tốc độ tăng trưởng của lươn trung bình đạt 3-5%/ngày. Việc triển khai giải pháp nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn đã giúp giảm đáng kể công thay nước mỗi ngày, rất phù hợp cho quy mô nuôi trồng nhỏ và vừa như hộ gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản (có phân chia khu vực đặt bể, khay nuôi).
 
 
 
Hệ thống tuần hoàn bao gồm: bể nuôi, thiết bị lọc cơ học (để loại bỏ chất thải rắn, thức ăn dư thừa, bùn cặn), thiết bị lọc sinh học (để giảm thiểu độc tố ammonia), thiết bị khử khí CO2 trong nước, thiết bị bổ sung và kiểm soát oxy, thiết bị diệt khuẩn bằng tia UV, hệ thống giám sát chung cho cả quy trình nuôi. Hệ thống dùng lưới lọc dùng để xử lý nước thải đầu vào (lọc chất thải trước khi lọc sinh học), còn chlorine chỉ được dùng để xử lý nước bên ngoài bể chứa (để diệt mầm bệnh), sau đó oxy hóa dư lượng rồi mới đưa vào hệ thống. Vì thế, hệ thống tuần hoàn không dùng bất cứ hóa chất nào nhằm bảo vệ vi sinh cho chu trình lọc sinh học. Hệ thống lọc sinh học được tính theo vòng quay 24 giờ, tức là cứ sau 24 giờ thì chỉ số nitơ lại quay lại giá trị ban đầu để tránh tình trạng tích lũy nitric.
 
Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, đồng thời có khả năng tách chất thải tự động khỏi nước nuôi lươn giúp loại bỏ công đoạn xả thải, tiết kiệm tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Hệ thống có thể tuần hoàn nước 100%, chỉ hao hụt do quá trình bốc hơi. Nếu sản xuất bằng nước ngọt thì người dân có thể lấy nước thải ra để trồng rau, nuôi cá, khoảng vài chục lít/ngày.
 
Để bù chi phí điện năng, người dân có thể tăng diện tích nuôi, hoặc dùng những máy bơm hiệu suất cao hơn (70 khối/giờ, mất khoảng 360-400W) tùy mục đích sử dụng. Nếu so sánh chi tiết, năng suất hệ thống ở mô hình triển khai khoảng 1 tấn lươn/vụ, tiêu thụ 600W/giờ, tức là khoảng 8-9 triệu tiền điện cho cả vụ. Khi đó, chi phí sản xuất bằng khoảng 50% giá lươn thành phẩm.
 
Đưa lươn từ đồng ruộng vào nuôi trong nhà là phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ mới, giúp tách biệt lươn với môi trường bên ngoài vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người nuôi. Vì thế, mô hình nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn là giải pháp hạn chế mầm bệnh và kiểm soát tốt chất lượng lươn nuôi, không cần sử dụng đến kháng sinh trong quá trình nuôi, cho chất lượng thủy sản đồng đều và sạch, đáp ứng tốt tiêu chuẩn về chất lượng để tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Hồng Linh
Scroll