Ecofa: Nâng cao giá trị cây dứa bằng những giải pháp xanh

Bằng cách biến những lá dứa bị thải bỏ trên cánh đồng sau mỗi mùa thu hoạch trở thành các sản phẩm giá trị, giải pháp tách sợi từ lá dứa của anh Đậu Văn Nam (Công ty Ecofa Việt Nam) đã góp phần giải quyết hiệu quả bài toán kinh tế và môi trường, góp phần xây dựng mô hình phát triển bền vững cho cây dứa Việt Nam.
Sự xuất hiện của chiếc mũ boater màu vàng được làm từ sợi lá dứa trong bộ sưu tập năm 2019 của hãng thời trang Pháp Chanel là một trong những dấu hiệu cho thấy các hãng thời trang ngày càng quan tâm đến sợi tự nhiên - bởi chúng có khả năng phân hủy sinh học, an toàn và thân thiện với môi trường. Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường The Business Research Company, quy mô thị trường sợi tự nhiên sẽ tăng trưởng từ 63,62 tỷ USD vào năm 2021 lên 77,12 tỷ USD vào năm 2026. Nắm bắt cơ hội này, nhiều công ty sản xuất các vật liệu từ sợi tự nhiên đã ra đời và nhanh chóng đạt được thành công trong những năm gần đây, tiêu biểu như Pinatex - công ty sản xuất da từ sợi dứa lớn nhất trên thế giới hiện nay.
 
Ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu này vẫn còn bị bỏ ngỏ. Là một trong những cây ăn quả chủ lực của Việt Nam, diện tích trồng dứa đang ngày càng tăng. Ước tính trong năm 2022, sản lượng dứa quả đạt hơn 700 nghìn tấn, đi kèm là gần 3 triệu tấn lá dứa. Để kịp thời chuẩn bị cho mùa vụ sau, cách xử lý phổ biến nhất hiện nay là đốt bỏ, thậm chí nhiều nơi còn phun thuốc diệt cỏ giúp lá dứa nhanh khô, dễ đốt. Dù biết ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe, song người trồng dứa không còn lựa chọn nào khác nhanh chóng và ít tốn kém hơn.
 
Mong muốn “làm gì đó để đóng góp cho quê hương” đã dẫn anh Đậu Văn Nam - cựu sinh viên ngành Cơ điện tử của ĐH Bách Khoa Hà Nội đến với con đường sản xuất sợi lá dứa. Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An - địa phương nổi tiếng với vùng trồng dứa Quỳnh Lưu, song anh Nam vẫn chưa biết về sợi dứa cho đến một lần tình cờ uống rượu tequila. “Tôi tò mò không biết rượu này nấu từ nguyên liệu gì, sau đó tìm hiểu thì biết nó được làm từ cây họ thùa, họ nướng quả để chưng cất rượu, còn lá bóc tách lấy sợi. Tôi thấy rất thú vị, nên nghĩ đến việc tách sợi từ những loại cây tương tự ở Việt Nam”, anh Nam kể lại.
 
20230130DH008.jpg
 
Anh Đậu Văn Nam bên những sản phẩm sợi dứa của Ecofa. Nguồn: NVCC
 
Sau khi cân nhắc, anh thấy cây dứa chính là ứng cử viên hoàn hảo. “Lá dứa cũng cho sợi, vùng nguyên liệu lại lớn, kinh nghiệm ở nhiều quốc gia trên thế giới như Philippines hay Costa Rica, Bangladesh cũng đã nghiên cứu và thương mại thành công sợi dứa”, anh phân tích. Sau khi xem xét tính khả thi, năm 2019, khi đang giữ vị trí quản lý sản xuất linh kiện tại nhà máy sản xuất ô tô bên Nhật Bản, anh đã về Việt Nam để kết nối với các vùng nguyên liệu và xây dựng đội ngũ, thành lập công ty Ecofa. “Chúng tôi tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp là lá dứa bị bỏ đi sau quá trình thu hoạch của bà con để tạo ra một chất liệu tự nhiên mới, làm nguyên liệu đầu vào cho ngành thời trang bền vững và vật liệu… Góp phần giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tạo sinh kế cho bà con nông dân” - lời giới thiệu trên website của Ecofa cũng chính là mục tiêu mà anh Nam và các cộng sự đang theo đuổi.
 
Tìm giải pháp tách sợi từ lá dứa
 
Thoạt nhìn, sợi lá dứa có vẻ là một nguyên liệu mới song thực chất, những gì mà Ecofa cũng như các doanh nghiệp sản xuất sợi dứa ở Việt Nam cũng như thế giới đang làm hiện nay là “hồi sinh” một loại sợi quý đã mai một. Từ thế kỷ 16, những người trồng dứa ở Philippines đã biết tách sợi từ lá dứa để dệt thành “loại vải mỏng, trong suốt và rất đẹp”, theo bài viết trên Philippine Folklife Foundation. Vải dệt từ sợi dứa được giới thượng lưu ưa chuộng, thậm chí được coi là biểu tượng của địa vị. Theo thời gian, sợi dứa được sản xuất thủ công, tốn kém và phức tạp đã dần mất đi chỗ đứng trước các loại sợi bông và sợi tổng hợp mới xuất hiện. Vải sợi dứa gần như biến mất, mãi cho đến khoảng 20 năm gần đây, vải dứa mới bắt đầu được hồi sinh - theo bài viết trên Text Today của TS. Nanda Mahapatra, Chủ tịch công ty thuốc nhuộm vải Colorant (Ấn Độ).
 
Những thăng trầm trong lịch sử sợi dứa cho thấy, việc cải thiện năng suất và chất lượng sợi là yếu tố quan trọng để sợi dứa đứng vững trên thị trường. Sự ra đời của hàng loạt máy tách sợi sẵn có trên thị trường cho thấy, đây không phải là bài toán quá hóc búa. Hầu hết máy tách sợi hiện nay là máy bán tự động, sau khi đưa lá dứa vào, phần lưỡi dao trong máy sẽ “nạo” bớt phần thịt lá, kéo ra thu được phần sợi. Những mẫu máy tách sợi dứa đầu tiên của Ecofa cũng đi theo nguyên lý này: “Dựa trên những mẫu sẵn có, chúng tôi cũng thiết kế máy tách sợi dứa bán tự động, có điều chỉnh một số kết cấu, chẳng hạn như cách bố trí tang trống, khe hở chỗ đưa lá vào… sao cho an toàn và hiệu quả hơn”, anh Nam cho biết.
 
Tuy nhiên, máy tách sợi bán tự động không phải là mục tiêu cuối cùng mà anh Nam và các cộng sự ở Ecofa theo đuổi. Dưới góc nhìn của một người làm kỹ thuật, anh nhận thấy phương pháp tách sợi này vẫn còn hạn chế: “Chất lượng của sợi dứa làm từ máy bán tự động phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm và tay nghề của người làm. Người kéo sợi nhanh hay chậm, dài hay ngắn sẽ ảnh hưởng đến độ đồng đều và chất lượng của sợi dứa”. Do vậy, họ xác định sẽ tập trung vào nghiên cứu máy tách sợi dứa tự động, còn máy bán tự động chỉ là thử nghiệm bước đầu.
 
20230130DH009.jpg
 
Máy tách sợi lá dứa bán tự động của Ecofa. Nguồn: NVCC
 
Nhờ sự hỗ trợ về chuyên môn cũng như trang thiết bị từ các đơn vị thuộc ĐH Bách Khoa Hà Nội, chiếc máy tách sợi dứa tự động của Ecofa đã nhanh chóng ra đời. “Trong vòng hơn một năm, kể từ lúc có ý tưởng, chúng tôi đã phác thảo bản vẽ nguyên lý, sau đó TS. Nguyễn Chí Hưng (trường Cơ khí, ĐH Bách Khoa Hà Nội) - Giám đốc công ty RPMEC Automation, đã vui vẻ nhận lời hỗ trợ làm bản demo”, anh kể lại. “Sau rất nhiều thử nghiệm, tối ưu hóa từng chi tiết, cơ cấu bánh răng… chúng tôi đã ra được thiết kế cuối cùng. Dây chuyền tự động sẽ có khoảng năm module, lá dứa sẽ lần lượt đi qua các bộ phận phân loại, bóc tách, cán ép, từ đó thu được sợi. Công nhân không phải tác động gì ngoài việc cho lá lên băng tải”.
 
Quá trình chuẩn bị kĩ càng, kết hợp với kinh nghiệm và sự sáng tạo của những người làm kỹ thuật đã giúp họ thu được “trái ngọt”. Chiếc máy tách sợi dứa tự động có năng suất cao gấp 20 lần so với bán tự động. Kết quả thử nghiệm cũng cho ra những mẻ sợi rất đồng đều và “sạch” (có hàm lượng tạp chất thấp) - yếu tố quan trọng để ứng dụng sợi cho các công đoạn tiếp theo. Một tin vui nữa là khi gửi mẫu cho những doanh nghiệp làm về sợi tự nhiên ở nước ngoài, sợi dứa của Ecofa được đánh giá rất tích cực: “Sợi có độ bền và khả năng thông thoáng rất tốt, không gây kích ứng da, đặc biệt là dễ bắt màu”. Để sẵn sàng cho giai đoạn ứng dụng, anh đang tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế cho giải pháp máy tách sợi tự động dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia trong khuôn khổ Chương trình ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường (Lab2Market) của ĐH Bách Khoa Hà Nội.
 
Với tâm niệm “phát triển mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn trên hệ sinh thái cây dứa Việt Nam”, song song với nghiên cứu giải pháp tách sợi, đội ngũ Ecofa không quên giải quyết những phụ phẩm phát sinh. Cụ thể, phần thịt lá dứa còn lại sẽ dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ phân bón hữu cơ. Hiện nay họ nghiên cứu chế phẩm vi sinh dùng để ủ lên men thịt lá dứa, cũng như vỏ dứa, lõi dứa bị thải bỏ từ các nhà máy chế biến dứa quả để tạo ra phân bón hữu cơ. “Chúng tôi đã thử nghiệm loại phân bón này trên những cánh đồng dứa ở Quỳnh Lưu và được bà con đánh giá rất tốt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm này, giúp người trồng dứa tiết kiệm chi phí phân bón. Như vậy, mọi thứ phát sinh từ quá trình thu hoạch và chế biến dứa, bao gồm lá, vỏ quả… đều được xử lý, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín, không thứ gì bị bỏ đi cả”, anh Nam cho biết.
 
Liên kết bằng sự minh bạch
 
Một điều bất ngờ là tất cả hoạt động từ thành lập Ecofa, cho đến nghiên cứu máy tách sợi, ủ phân bón… đều được tiến hành khi anh Nam vẫn còn ở bên Nhật Bản. Có lẽ, mọi việc khó có thể diễn ra trôi chảy nếu Ecofa không quy tụ được một đội ngũ nhân lực chất lượng: “Điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến khi bắt tay vào làm sợi dứa chính là vấn đề con người. Quan trọng nhất là phải lựa chọn được một đội ngũ có thể đồng hành trên con đường này”, anh nhận định. Do vậy, bên cạnh anh Nam, những người đồng sáng lập còn lại của Ecofa đều có năng lực chuyên môn vững vàng và tinh thần “dám dấn thân”: “Rất may mắn là khi ở Nhật, tôi đã tìm được những mảnh ghép quan trọng nhất cho đội ngũ của mình. Bao gồm một bạn tốt nghiệp thạc sĩ về thời trang bền vững ở Anh, đồng thời có kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing, một bạn là cử nhân sinh học ở ĐH Vinh, đã có kinh nghiệm nghiên cứu về sinh học và môi trường, bạn còn lại làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đồng thời là chủ nhiệm một câu lạc bộ handmade ở Việt Nam. Như vậy, vấn đề kỹ thuật, giải quyết các phụ phẩm bằng công nghệ sinh học, xuất khẩu sợi thô hoặc làm sản phẩm handmade, đều được gửi gắm đúng người”, anh Nam cho biết.
 
Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ cho một tổ chức, đặc biệt là những startup trong lĩnh vực “ít người đi” như Ecofa chưa bao giờ dễ dàng. “Thoạt đầu kết nối với các bạn rất khó khăn, vì các bạn ấy vẫn hoài nghi về dự án này. Cây dứa tách sợi như thế nào, bán cho ai, xây dựng vùng nguyên liệu ra sao, máy móc thế nào… rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Chúng tôi đã cùng ngồi lại, phân tích cặn kẽ từng vấn đề, vạch ra định hướng cụ thể, lúc đó cả nhóm mới yên tâm, quyết định dừng công việc hiện tại và tập trung phát triển Ecofa”, anh nhớ lại. Nhờ vậy, họ luôn vững tin vào con đường mình đã chọn, dù những bước đầu không thể tránh khỏi gập ghềnh. Cũng như hầu hết các startup non trẻ khác, nguồn vốn là một trong những thách thức lớn với Ecofa: “Hiện nay nguồn kinh phí hoạt động, nghiên cứu máy móc chủ yếu là đi vay, dù rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn xoay xở được để tiếp tục”.
 
Vấn đề tương tự cũng xảy ra khi Ecofa kết nối với những người trồng dứa. Thực ra, việc xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn bị coi là “nút thắt” ở Việt Nam từ trước đến nay - nông dân lo doanh nghiệp sẽ thu mua giá thấp, hoặc không giữ lời, doanh nghiệp cũng lo nông dân bán lại cho bên khác ra giá cao hơn. Nếu không giải quyết được vấn đề này, Ecofa khó có thể mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao sản lượng sợi xuất khẩu: “Chúng tôi đã xuất khẩu được một số đơn hàng, song cũng bỏ lỡ nhiều khách hàng tiềm năng. Nguyên nhân là những đơn hàng họ đưa ra quá lớn, vượt quá năng lực sản xuất của chúng tôi hiện nay. Để nắm bắt những cơ hội này, ngoài việc nghiên cứu máy móc để nâng cao năng suất và chất lượng, chúng tôi sẽ phải mở rộng vùng nguyên liệu”, anh Nam phân tích.
 
Vậy Ecofa làm thế nào để giành được niềm tin của người trồng dứa? “Bài học mà tôi rút ra là phải minh bạch với người dân. Khi giới thiệu, mọi người khen dự án hay, nhưng chúng tôi vẫn phải đưa ra lộ trình rõ ràng, không đưa ra bức tranh toàn màu hồng để lừa dối. Giá cả thu mua cũng rất rõ ràng và hợp lý”, anh Nam cho biết. Bởi vậy, khi có bên “chơi xấu” - thu mua lá dứa với giá cao nhằm dồn Ecofa vào “đường cùng”, họ vẫn giành được niềm tin của người dân. “Chúng tôi thuyết phục người dân bình tĩnh, quan sát xem họ mua được lâu không, hay chỉ là nhất thời, thậm chí chúng tôi còn đưa bà con ra tận nhà máy để xem giá cả thực tế như thế nào, lúc đó mọi người mới tin chúng tôi”, anh kể lại.
 
Hiện nay, Ecofa đã kết nối với một số doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước và doanh nghiệp vật liệu composite của nước ngoài. Họ đánh giá cao chất lượng sợi của Ecofa và sẵn sàng hợp tác nếu đáp ứng được sản lượng sợi. Do vậy, “trong năm 2023, chúng tôi sẽ gọi vốn để mở rộng thêm dây chuyền công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Đồng thời, chúng tôi sẽ thành lập một phòng nghiên cứu các sản phẩm không dệt, vải may mặc, da sinh học từ sợi dứa và mời các chuyên gia ở Viện Dệt may của ĐH Bách Khoa Hà Nội làm cố vấn”, anh cho biết.
 
Với những gì mà Ecofa đang chuẩn bị, liệu họ có mường tượng đến viễn cảnh tạo ra những sản phẩm cao cấp từ sợi dứa Việt Nam, chứ không chỉ dừng lại ở sợi thô? “Đây là điều mà chúng tôi đang hướng đến, chúng tôi rất muốn kết hợp với các viện nghiên cứu, trường ĐH để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có giá trị cao hơn. Tôi luôn tin rằng vào một ngày không xa, sẽ có một loại vải, một loại da hoặc vật liệu mới được làm từ những thứ tưởng chừng bỏ đi ở Việt Nam, được sản xuất và phân phối trên thị trường bởi chính người Việt”, anh Nam bày tỏ.
Nguồn: Thanh An - khoahocphattrien.vn
Scroll