Công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo và nấm linh chi Việt

Đông trùng hạ thảo Cordyceps miilitaris được sản xuất với công nghệ nuôi trồng trực tiếp trên nhộng tằm dâu Bombyx mori bao gồm các quy trình kỹ thuật như: tuyển chọn, giữ giống, sản xuất giống, nuôi trồng, sơ chế, chiết xuất hoạt chất sinh học, bảo quản, đánh giá chất lượng,... mang đến sản phẩm chất lượng, an toàn và tin cậy cho người sử dụng.
Sản phẩm được nghiên cứu và phát triển tại Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường (RIBE) - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM thông qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ B2013-12-05 về nuôi trồng đông trùng hạ thảo (ĐTHT) do TS. Lê Thị Diệu Trang chủ trì.
 
Đặc điểm của ĐTHT trong nghiên cứu này là được nuôi cấy trực tiếp trên côn trùng; có hàm lượng hoạt chất sinh học quý hiếm cao, ổn định; đã được thử nghiệm lâm sàng trên chuột; lượng sử dụng thấp, cho hiệu quả cao. Công dụng của ĐTHT giúp tăng cường hoạt động miễn dịch, hỗ trợ điều trị ung thư, hỗ trợ điều trị các bệnh phổi, gan, thận, cải thiện chức năng sinh lý nam – nữ.
 
TS. Lê Thị Diệu Trang cho biết, trong các loài Cordyceps, C.militaris rất được chú ý do các giá trị dược liệu vượt trội của nó. Khác với các loài Cordyceps khác, C. militaris dễ dàng hình thành quả thể trong môi trường nuôi cấy nhân tạo. Do đó, C.militaris được nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ. Việc nuôi cấy C. militaris đã rất thành công tại Trung Quốc và một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc,… nhằm sản xuất dược liệu và thực phẩm chức năng do hoạt tính kháng khuẩn, ức chế sự hình thành khối u, chống lão hóa, điều hòa miễn dịch của loài nấm này. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác đã chứng minh rằng, các hoạt chất quý trong sợi nấm cũng như trong quả thể nấm nuôi cấy kém hơn so với sản phẩm tự nhiên. Vì vậy, việc nghiên cứu tạo sản phẩm ĐTHT có chất lượng cao trong điều kiện nuôi cấy nhân tạo là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu thực tế.
 
Với nghiên cứu nuôi cấy ĐTHT được thực hiện tại Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, quy trình nuôi cấy C. militaris đã hoàn thiện và sản phẩm thu được chứa nhiều hoạt chất sinh học quý với hàm lượng khá cao. Quy trình sản xuất C. militaris được thực hiên dựa trên kết quả khảo sát tốc độ lan tơ, thời gian hình thành và phát triển của quả thể trên 5 loại giá thể trong 2 điều kiện quang kỳ khác nhau. Sản phẩm ĐTHT sau nuôi cấy được đánh giá năng suất và chất lượng thông qua các chỉ tiêu tỷ lệ sinh khối quả thể, hàm lượng adenosine, cordycepin, guanosin, lipid tổng số, đạm tổng số, tro tổng số cùng với khả năng kháng oxy hóa. Nấm C. militaris hình thành và phát triển quả thể tốt nhất trên giá thể nhộng và nhộng cám. Tỷ lệ sinh khối quả thể khô chiếm từ 29,93-31,91%, với hàm lượng adenosine trong khoảng 1,76-1,91 mg/g, hàm lượng cordycepin trong khoảng 2,103-3,419 mg/g, hàm lượng guanosine 1,042-1,483 mg/g. Cả quả thể lẫn sợi nấm phát triển trên các cơ chất đều cho khả năng kháng oxy hóa. Độ độc cấp tính qua đường miệng cao hơn 5.000g/kg thể trọng đã khẳng định đây là sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
 
 
Các dạng quả thể C. militaris tươi (A,B,C,D,E,F) và sau khi sấy khô (G,H)
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy sản phẩm nuôi cấy nhân tạo có chất lượng cao và ổn định đáp ứng các tiêu chí của nấm dược liệu C. militaris, có thể sử dụng để thay thế sản phẩm ĐTHT ngoài tự nhiên. Đây là cơ sở cho việc phát triển nuôi cấy C. militaris ở quy mô lớn, cung cấp nguồn dược liệu chất lượng ổn định cho thị trường, góp phần nâng cao cuộc sống cho con người và xã hội. Hiện tại nhóm nghiên cứu đang tiến hành công tác đào tạo và chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm (đào tạo ngắn hạn kỹ thuật nuôi trồng nấm dược liệu ĐTHT Cordyceps militaris; chuyển giao công nghệ, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị có nhu cầu; cung cấp nấm ĐTHT Cordyceps militaris và các sản phẩm chế biến từ ĐTHT). 
 
 
Nghiên cứu công nghệ nuôi trồng nấm dược liệu ĐTHT Cordyceps militaris tại Viện RIBE
 
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường cũng thực hiện dự án "Hoàn thiện quy trình sản xuất nấm Linh chi (Ganoderma lucidum) quy mô bán công nghiệp từ phế phụ phẩm nông - lâm nghiệp" nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phế phụ phẩm nông - lâm nghiệp gây ra và chuyển hóa phụ phẩm sau trồng nấm thành phân bón, nâng cao hiệu quả sử dụng và kinh tế.
 
Quy trình sản xuất nấm Linh chi quy mô bán công nghiệp có công suất 1.000 bịch giống/đợt, sản xuất 50.000 bịch phôi/đợt sản xuất, cải thiện được năng suất nấm Linh chi (trung bình 15-20 kg nấm/1.000 bịch phôi). Các công đoạn sản xuất gồm: chuẩn bị giống cấp 1, cấp 2, cấp 3; xử lý nguyên liệu trồng nấm; đóng bịch phôi; hấp khử trùng bịch phôi; cấy giống nấm vào bịch phôi; nuôi ủ tơ nấm; trồng nấm; thu hái và sơ chế nấm; đóng gói thành phẩm; bảo quản sản phẩm.
 
 
Nấm Linh chi được trồng trong nhà mát 
 
Sản phẩm của dự án đã được đăng ký nhãn hiệu là “Linh chi Việt”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận (15/4/2015). Hiện tại sản phẩm đã thương mại hóa và được phân phối bởi Công ty TNHH Nấm Nông Lâm (thành viên Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM). Ngoài ra, để nâng cao năng suất và chất lượng nấm Linh chi, nhóm nghiên cứu nấm ăn và nấm dược liệu Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường đã nâng cấp nhà trồng nấm từ dạng nhà lưới thành nhà màng được làm mát bằng Cooling pad và ứng dụng công nghệ IoT (Internet of Things). Nhà trồng nấm ứng dụng IoT có thể theo dõi, ghi nhận, điều khiển tự động các thông số môi trường phù hợp cho trồng nấm: nhiệt độ, ẩm độ không khí, cường độ ánh sáng và nồng độ khí CO2. Việc kiểm soát được các điều kiện trồng nấm giúp cho nấm sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng nấm từ 10-15%. 
Lam Vân
Scroll