Công nghệ nuôi tảo Spirulina ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản quy mô nông hộ và công nghiệp

Quy trình nuôi sử dụng các bồn tảo được thiết kế thành một hệ thống, có khả năng mở rộng để đáp ứng cho nhiều quy mô nuôi trồng khác nhau.
Trên thế giới, tảo đã được nuôi trồng trên toàn cầu để sản xuất nhiên liệu sinh học, thức ăn chăn nuôi và nhu cầu của con người, nhưng giá thành đắt hơn nhiều so với các loại nông sản khác. Tảo là sinh vật thích nghi tốt với môi trường, chúng phát triển mạnh ở vùng đất hoang, nước thải và vùng nước mặn. Đặc biệt, nuôi tảo không tốn nhiều nước và không chiếm nhiều đất sản xuất nông nghiệp.
 
Dù vậy, nguồn cung tảo hiện nay khá nan giải do giá thành tảo đầu vào khá cao. Vì vậy, để thực sự đưa tảo vào chăn nuôi ở nước ta, cần áp dụng công nghệ nuôi tảo hiện đại, có chi phí tương đối hợp lý để hợp tác xã – hộ nông dân có thể triển khai ngay được.
 
Công nghệ nuôi tảo Spirulina (vi tảo đa bào sợi màu xanh lá cây) đã được nghiên cứu và ứng dụng trong chăn nuôi sản xuất thức ăn, thủy sản quy mô nông hộ và công nghiệp. Quy trình nuôi sử dụng các bồn tảo được thiết kế thành một hệ thống, có khả năng mở rộng để đáp ứng cho nhiều quy mô nuôi trồng khác nhau. Mỗi bồn nuôi tảo có thể tích 1m3. Công nghệ nuôi bằng bồn có giá thành rẻ, có sẵn, dễ thi công.
 
 
 
Môi trường nuôi tảo Spirulina hoàn toàn khép kín, đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng, nước. Đặc biệt, người nuôi kiểm soát được nhiệt độ của môi trường, nên chỉ cần thực hiện đúng kỹ thuật thì sẽ đạt tới sinh khối đã dự tính. Sau 3 tháng thì thu hoạch được giống và bắt đầu thu hoạch tảo, do chu kỳ sống của tảo khoảng 10 ngày nên cứ 10 ngày là thu hoạch 1 lần.
 
Đối với nông hộ, 1-2 bồn tảo có thể cung ứng tảo để nuôi 5-10 vật nuôi (heo, bò…), có thể tiến hành ở mức độ thủ công. Người nông dân có thể phát triển dần dần, từ 2 bồn để tự sản xuất là vừa đủ, không ngại chi phí tốn kém quá lớn ngay từ đầu. Nhưng sản xuất thương phẩm ở quy mô công nghiệp, thì phải đầu tư từ quy mô 300 thùng trở lên thì mới tạo ra lợi nhuận đáng kể.
 
Ở quy mô công nghiệp, hệ thống không đòi hỏi nhiều lao động: quy mô dưới 500 bồn cần 3 người, quy mô 500-1.000 bồn cần 5 người. Ở quy mô 1.000 bồn, người nuôi có thể thu về 300kg tảo/tháng (đây là mức sản lượng rất lớn).
 
Chi phí tảo thương phẩm dành để nuôi heo vào khoảng 3.000 đồng/con/ngày, nhưng nếu nhận chuyển giao quy trình nuôi tảo để ứng dụng vào chăn nuôi thì chi phí đó chỉ còn khoảng 600 đồng/con/ngày (giảm đến 80%). Thực nghiệm khi nuôi heo cho thấy heo nuôi bằng tảo cho thịt thơm, ngon hơn. Nhờ tảo có chất kháng viêm nên tốt cho đường ruột của heo, đồng thời phân giảm 50% mùi hôi nhờ tảo kích hoạt đường ruột tốt, giúp heo tiêu thụ hết lượng thức ăn.
 
Từ nguồn tảo thu hoạch, có thể dùng để sản xuất bột tảo. Chất lượng bột tảo sản xuất ra đạt tiêu chuẩn tốt, đạt các chỉ tiêu để xuất khẩu. Vì thế, công nghệ nuôi tảo Spirulina này có thể mở rộng ứng dụng cho cộng đồng để cùng phát triển sản phẩm tảo trong nước, thúc đẩy xuất khẩu ra thế giới.
 
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) sẽ cùng nhà cung ứng công nghệ hỗ trợ nông hộ, hợp tác xã nhận chuyển giao và triển khai cách nuôi tảo Spirulina theo quy chuẩn, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Hồng Linh
Scroll