Tủ điện điều khiển chiếu sáng tự động

Tủ điện điều khiển chiếu sáng (Lighting panel) ngày càng được sử dụng phổ biến nhằm tiết kiệm điện năng, nhân lực trong hoạt động quản lý chiếu sáng, hỗ trợ điều khiển chiếu sáng theo các chế độ tự động hoặc điều khiển bằng tay.
Tùy theo yêu cầu hoạt động của hệ thống chiếu sáng ở từng khu vực và công trình riêng biệt như khu vực công cộng, khu vực sản xuất, khu vực văn phòng…, tủ điện điều khiển chiếu sáng có thể được thiết kế một số chức năng đơn giản, nâng dần độ phức tạp thậm chí được trang bị cảm biến thông minh giúp tự động nhận biết điều kiện chiếu sáng để bật tắt bóng đèn cũng như điều chỉnh cường độ sáng phù hợp. Mặt khác, tủ cũng phải có chức năng bảo vệ hệ thống chiếu sáng khỏi những biến động bất thường của lưới điện như hiện tượng quá dòng và ngắn mạch bằng Aptomat và cầu chì.
 
 
Tùy theo yêu cầu, ứng dụng của thiết bị chiếu sáng, tủ điện điều khiển chiếu sáng được thiết kế khác nhau, sử dụng các bộ điều khiển đóng cắt theo thời gian thực như Timer hoặc các bộ điều khiển có thể lập trình chế độ điều khiển phức tạp như PLC, vi điều khiển. Hiện nay, các loại tủ điều khiển chiếu sáng có thể kể đến là: tủ điện chiếu sáng Timer (đóng cắt theo thời gian thực), tủ điện chiếu sáng PLC và tủ điện chiếu sáng có cổng truyền thông.
 
Nguyên lý hoạt động của tủ điện điều khiển chiếu sáng là được thiết lập bởi rơ le để điều khiển và đóng cắt tự động các thiết bị chiếu sáng, cài đặt theo chế độ thời gian. Rơ le tự động này giúp thiết bị chiếu sáng tiết kiệm tối đa điện năng tiêu thụ đồng thời tăng tuổi thọ của thiết bị điện, công suất của tủ, giúp tiết kiệm điện nhưng vẫn vận hành hiệu quả, chống lãng phí.
 
Tủ điện điều khiển chiếu sáng Timer là loại tủ đơn giản khi sử dụng Timer để đặt thời gian bật / tắt bóng đèn (cài đặt thông số hoạt động bằng cách đặt giờ Timer, chiết áp… vận hành tự động hoặc thủ công), nên ưu điểm là thao tác vận hành đơn giản và chi phí đầu tư thấp. Hiển nhiên là loại tủ này không hỗ trợ cài đặt chế độ điều khiển phức tạp, không thể điều khiển nhiều cụm đèn với chế độ hoạt động khác nhau cũng như không có chức năng giám sát và điều khiển từ xa.
 
 
 
Đa năng hơn Timer, tủ điện điều khiển chiếu sáng PLC sử dụng PLC làm bộ điều khiển trung tâm, nên có thể cài đặt chế độ hoạt động linh hoạt theo thời gian và công suất của đèn, có khả năng tự động thay đổi chế độ sáng theo mùa, có nhiều đầu ra hỗ trợ điều khiển nhiều cụm đèn với chế độ hoạt động khác nhau. Đây là loại tủ có chi phí đầu tư không đắt nhưng đòi hỏi cần có sự hỗ trợ kỹ thuật khi cài đặt thông số điều khiển. Tủ điện điều khiển chiếu sáng PLC không hỗ trợ chức năng giám sát và điều khiển từ xa. 
 
 
 
So với 2 loại tủ kể trên, tủ điện điều khiển chiếu sáng truyền thông có chi phí đầu tư cao nhất, thường được trang bị cho các hệ thống chiếu sáng hiện đại. Tủ sử dụng PLC làm bộ điều khiển trung tâm nên chức năng cũng tương tự như tủ chiếu sáng PLC, nhưng được tích hợp thêm module truyền thông và phần mềm giám sát nên hỗ trợ giám sát và điều khiển ngay tại phòng điều khiển trung tâm thông qua hệ thống máy tính và mạng Internet.  
 
Kim Hoàn
Scroll