Tìm giải pháp IoT canh tác dưa lưới cho doanh nghiệp ở Bình Phước

3 nhà cung ứng đạt được thỏa thuận với doanh nghiệp về tìm hiểu và chuyển giao công nghệ để canh tác 6 nhà màng, tổng diện tích 15.000m².
Ngày 17/12/2021, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức sự kiện Kết nối ý tưởng chủ đề “Giải pháp IoT trong nông nghiệp thông minh - Giám sát và quản lý nhà màng”.
 
 
 
Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) cho biết, sự kiện Kết nối ý tưởng lần này xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm giải pháp IoT trong giám sát và quản lý nhà màng trồng dưa lưới của Công ty Cổ phần Phanco. Sau khi tiếp nhận yêu cầu của doanh nghiệp, CESTI đã thông báo rộng rãi trên các cổng thông tin, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM, đồng thời liên hệ với các đơn vị để mời gọi các nhà cung ứng tham dự, giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp.
 
Ở sự kiện Kết nối ý tưởng lần này, 5 doanh nghiệp tham gia cung ứng công nghệ gồm: Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ LOTODA, Công ty Cổ phần Công nghệ MobiFone Toàn Cầu (MobiFone Global), Công ty TNHH Mimosa Technoly, Công ty TNHH Công nghệ Nông nghiệp MRVINA, Công ty TNHH HiFarm.
 
Bà Phan Trà Mi (Công ty Phanco) trình bày, Phanco có 100ha trang trại trồng cây ăn trái, có sử dụng năng lượng mặt trời, hiện đang canh tác 6 nhà màng trồng dưa lưới, chỉ mới trang bị 1 số giải pháp tự động hóa đơn giản về tự động hóa. Quá trình canh tác hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm của người canh tác, chưa có AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ chủ trang trại ra quyết định. Yêu cầu công nghệ của doanh nghiệp là muốn nhận chuyển giao hệ thống IoT ứng dụng canh tác dưa lưới trong nhà màng, theo dõi các thông số canh tác (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng…), có kho dữ liệu lưu trữ đám mây và phục vụ truy xuất nguồn gốc, dễ tích hợp vào hệ thống ERP quản lý trang trại, sẵn sàng mở rộng để thành lập xưởng chế biến dưa lưới ngay tại trang trại. Bên cạnh đó, Phanco cũng cần có sự hỗ trợ sau chuyển giao, cụ thể là dịch vụ hậu mãi về vận hành và khả năng bảo trì, bảo hành nhanh, ngay lập tức.
 
Ông Phạm Cao Kỳ (Công ty MRVINA) cho biết MRVINA cung ứng hệ thống tưới và châm phân tự động cho dưa lưới từ lúc ươm đến khi thu hoạch, không phụ thuộc vào điều kiện có Internet hay không, cho các sản phẩm chủ yếu là dưa lưới, cà chua, dưa leo. Không chỉ thế, MRVINA còn cung ứng 3 gói i4mini (17-32 triệu đồng) cho người mới tập ứng dụng IoT, i4plus (40-85 triệu đồng) hỗ trợ người canh tác hiểu biết và vận dụng một số chỉ tiêu canh tác dưa lưới theo nhu cầu thu hoạch, FarmSys (250-400 triệu đồng) dành cho các công ty cỡ lớn có đội ngũ kỹ thuật tham gia vận hành, canh tác. MRVINA cung cấp dịch vụ tư vấn trọn gói – chìa khóa trao tay cho sản phẩm dưa lưới (tư vấn nhà màng và cấu trúc theo vùng; tư vấn và thiết kế hệ thống tưới và châm phân toàn diện từ hồ nước đến nhỏ giọt; tư vấn và cung cấp giống, quy trình dinh dưỡng cho dưa lưới), cam kết hiệu quả sản xuất đạt 85% trong vụ đầu chuyển giao, cam kết downtime hệ thống (thời gian hệ thống ngừng vận hành trong sản xuất) dưới 4 giờ.
 
Ông Nguyễn Trung Huy (Công ty MobiFone Global) giới thiệu doanh nghiệp này có hệ thống M-Farm cho nhà vườn ứng dụng công nghệ, giải pháp IoT để hỗ trợ chủ nhà vườn quản lý, giám sát, môi trường sinh trưởng của cây trồng (đất, không khí, nước…), qua đó kịp thời đưa ra những biện pháp, kịch bản xử lý phù hợp (nhân công hoặc tự động) tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển. M-Farm đã được ứng dụng để điều khiển và giám sát các nhà màng trồng lan hồ điệp diện tích 1.000m2 ở huyện Gia Lâm (Hà Nội). Theo ông Nguyễn Huy, M-Farm cũng có thể ứng dụng để giám sát nhà màng trồng dưa lưới diện tích 2.500m2, có ứng dụng giám sát các thông số, cảnh báo, điều khiển thủ công và tự động trên điện thoại (Android, iOS), web giám sát các thông số, điều khiển thủ công và tự động, báo cáo tổng hợp (trên máy tính). Mobifone Global có đội ngũ kỹ thuật và sản phẩm luôn sẵn sàng tại tất cả chi nhánh, hỗ trợ tư vấn thiết bị mọi lúc cho bộ sản phẩm, và phần mềm giám sát vận hành.
 
Ông Phạm Xuân Bách (Công ty Mimosa Technoly) cho biết, doanh nghiệp này đang cung cấp các giải pháp gồm: giải pháp IoT cho giám sát và điều khiển trong canh tác nông nghiệp, phần mềm quản lý canh tác – nhật ký điện tử - truy xuất nguồn gốc, dịch vụ tư vấn nông học cho từng loại cây riêng biệt. Mimosa Technoly đề xuất triển khai dự án hệ thống IoT canh tác dưa lưới trong nhà màng hoặc trên giá thể với mật độ canh tác khoảng 2.600 cây/1.000m2. Theo đó, hệ thống giám sát các thông số cần thiết trong quá trình canh tác là: EC, pH, độ ẩm, ánh sáng, lượng nước tưới hàng ngày, lượng phân tưới hàng ngày; đồng thời, vận hành tự động các đầu việc như: lên lịch tưới hàng ngày, hoạt động theo ngưỡng, tự động trộn phân với nước, giám sát và điều khiển thông qua máy tính, điện thoại. Ngoài ra, các dịch vụ kèm theo có thể triển khai ngay gồm: (1) Nhật ký điện tử - truy xuất nguồn gốc – phần mềm quản lý giao việc – nhắc việc; (2) Phân tích cấu trúc giá thể, (3) Phân tích chất lượng nước tưới nông nghiệp – tư vấn điều chỉnh chương trình phân bón.
 
Ông Huỳnh Phi Long (Công ty LOTODA) cho biết các thiết bị IoT LOTODA dễ dàng sử dụng smartconfig để thêm vào trong ứng dụng của LOTODA. Ví dụ như hỗ trợ châm phân chính xác và hoàn toàn tự động (thiết bị tích hợp điều khiển bộ châm phân Dosatron do Pháp sản xuất), áp dụng lên đến 4 vườn với các loại cây khác nhau, hoạt động liên tục qua các mùa vụ, thiết lập theo các giai đoạn phát triển của cây, giúp tiết kiệm nhân công, tỉ lệ phân chính xác và giảm chi phí sản xuất. Hay mạng cảm biến (Sensor Network) có khả năng đo thông số môi trường nước và đất như độ ẩm đất, nhiệt độ, độ ẩm không khí.
 
Ông Nguyễn Duy Xuân Bách (Công ty HiFarm) trình bày sơ đồ tổng quan hệ thống vườn với hệ trộn phân HX-006 dành cho hệ thống nhà màng, nhằm cung cấp dinh dưỡng ổn định, chính xác theo đúng từng giai đoạn phát triển của dưa lưới. Hệ thống có thể mở rộng đến 10 nhà màng (mỗi nhà có diện tích 2.500m2). Hệ thống cũng có chức năng cảnh báo các điều kiện canh tác có vấn đề, thông báo ngay đến người canh tác để can thiệp.
 
Kết quả, Công ty Phanco đã chọn ký kết thỏa thuận hợp tác với 3 nhà cung ứng là Công ty TNHH Công nghệ Nông nghiệp MRVINA, Công ty TNHH Mimosa Technoly, Công ty TNHH HiFarm. Các bên sẽ tiếp tục làm việc với nhau, tìm hiểu điều kiện để xúc tiến chuyển giao giải pháp giám sát IoT cho nhà kính, nhà màng.
 
Sự kiện “Kết nối ý tưởng” là hoạt động do CESTI triển khai nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Đây là sự kiện được tổ chức định kỳ hàng tháng nhằm kết nối chuyên gia, nhà nghiên cứu từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ với các doanh nghiệp sản xuất nhằm giải quyết bài toán ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp. Tại sự kiện, các nhà cung ứng sẽ giới thiệu những giải pháp công nghệ đáp ứng yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp để tiếp tục thương thảo hợp tác, chuyển giao công nghệ. 
Hoàng Kim
Scroll