Techmart Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch: Hội thảo Techmart: cung cấp các thông tin nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp và sau thu hoạch

Techmart Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch 2022 với 13 chuyên đề hội thảo diễn ra liên tục, được phát livestream trực tiếp đã cung cấp nhiều thông tin về các xu hướng nghiên cứu mới, các công nghệ, kỹ thuật ứng dụng trong nông nghiệp và sau thu hoạch.
Có thể kể đến các hội thảo như: Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật sản xuất các loại bột trái cây/bột rau củ (trái ổi, cà chua, dưa lưới...) giàu chất xơ có giá trị dinh dưỡng cao phục vụ sức khỏe con người; Công nghệ tách chiết tinh dầu sử dụng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước và sản xuất một số loại bột tinh dầu sử dụng kỹ thuật sấy phun; Mô hình trồng ứng dụng công nghệ cao và chọn tạo giống dưa lưới F1, giống cà chua bi thích ghi trồng trong nhà màng vùng Nam Bộ; Ứng dụng công nghệ lên men tận dụng các phụ phẩm từ mít, thanh long trong quá trình sản xuất và chế biến trái cây để tạo ra các nguồn nguyên liệu như mứt, tinh bột; Những thành tựu nghiên cứu khoa học về tác dụng của nước từ trường đối với cây trồng và vật nuôi; Drone Việt - Số hóa nền nông nghiệp Việt bằng công nghệ AI và IoT; Tiệt trùng và bảo quản rau quả bằng công nghệ xanh (plasma);…
 
 
Các hội thảo Techmart đều được phát live stream trực tiếp
 
Tại hội thảo về xu hướng nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật sản xuất các loại bột trái cây/bột rau củ, TS. Tô Vũ Thanh Điền (Phó Viện trưởng điều hành - Viện Công nghệ vật liệu tiên tiến, Trường ĐH Văn Lang) đã cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình thị trường, xu hướng phát triển và các kỹ thuật/công nghệ sản xuất sản phẩm bột trái cây. Đây là các thông tin hữu ích cho các đơn vị nghiên cứu kỹ thuật công nghệ, các hợp tác xã, công ty có nguồn nguyên liệu trái cây phong phú muốn phát triển các dự án sản xuất.
 
Theo TS. TS. Tô Vũ Thanh Điền, hiện tại, thị trường sản phẩm bột trái cây trên thế giới liên quan chặt chẽ đến 3 kỹ thuật sản xuất chính là sấy thăng hoa, sấy phun và sấy thùng quay. Bột trái cây sẽ tiếp tục được phát triển mạnh trong dài hạn do xu thế sử dụng sản phẩm tự nhiên, chăm sóc sức khỏe và giảm sử dụng các phụ liệu/phụ gia nhân tạo, tổng hợp. Các sản phẩm bột trái cây đặc thù (có nhiều hoạt chất/thành phần chống oxy hóa, nhiều dinh dưỡng hữu ích cho sức khỏe) sẽ được mong đợi từ thị trường và dự báo sẽ có mức tăng trưởng nhanh hơn sản phẩm thông thường.
 
Việt Nam có nhiều cơ hội để sản xuất và xuất khẩu dòng sản phẩm này nhờ lợi thế nguồn nguyên liệu trái cây dồi dào, xu hướng quan tâm chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng,… Tuy nhiên, năng lực sản xuất mới bắt đầu phát triển ở dòng sản phẩm bột rau củ, chưa có nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm bột trái cây. Thị trường hiện vẫn còn khoảng trống lớn cho phân khúc sản phẩm trung bình/trung cấp. Do đó, có thể phát triển nhiều sản phẩm mới từ các loại cây trồng chủ lực, quan trọng ở Việt Nam. Một số sản phẩm mới nhiều tiềm năng phát triển như: bột ổi, bột thanh long (ruột đỏ), bột dưa lưới, bột cà chua Nova,… Các sản phẩm này là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất các sản phẩm đặc thù trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với nhiều hoạt chất quý, dinh dưỡng/khoáng chất tốt hỗ trợ sức khỏe.
 
 
TS. Tô Vũ Thanh Điền (Viện Công nghệ vật liệu tiên tiến, Trường ĐH Văn Lang) trình bày tại hội thảo Techmart
 
Về các kỹ thuật sản xuất bột trái cây, TS. Điền cho biết, các kỹ thuật hiện tại có sự khác biệt cơ bản và phân chia rõ rệt cho các phân khúc thị trường như sấy thăng hoa cho thị trường cao cấp, sấy phun cho thị trường nước trái cây, sấy thùng quay (chân không) cho thị trường bình dân, cấp thấp. Mỗi kỹ thuật/công nghệ có những lợi thế và hạn chế riêng, nên những cải tiến, phát triển hoặc ứng dụng các kỹ thuật/công nghệ mới đang rất được mong đợi. Một số kỹ thuật có triển vọng là sấy hồng ngoại, sấy vi sóng, sấy lạnh. Các kỹ thuật này có cơ hội phát triển do sản xuất các sản phẩm có chất lượng trung bình (đáp ứng yêu cầu của phân khúc trung bình), tuy nhiên cần kiểm chứng hiệu quả qua các mô hình demo/quy mô nhỏ làm cơ sở cho phát triển quy mô công nghiệp.
 
Tại hội thảo Tiệt trùng và bảo quản rau quả bằng công nghệ xanh – plasma, PGS.TS Trần Ngọc Đảm (Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng và Môi trường Ces Plasma) cho biết, hiện nay, vấn đề quan tâm hàng đầu về các sản phẩm nông nghiệp là sạch, an toàn, dinh dưỡng, ngon và đẹp. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cần điều khiển các yếu tố tác động xấu đến sản phẩm (vi khuẩn, dư lượng hóa học). Các phương pháp truyền thống là sử dụng hóa chất, ozon, làm lạnh,... để làm sạch và bảo quản thực phẩm, tuy nhiên nhược điểm của các phương pháp này là lượng hóa chất tồn dư, hư hại và thời gian bảo quản thấp.
 
 
Hội thảo "Tiệt trùng và bảo quản rau quả bằng công nghệ xanh – plasma"
 
Để giải quyết nhược điểm trên, công nghệ plasma đã được ứng dụng thành công vào việc tạo nước tiệt trùng không dùng hóa chất (nước oxy hóa cao), nước sạch cho nuôi trồng lại, tiệt trùng khí sạch và tiệt trùng dụng cụ sản xuất. Công nghệ tạo nước oxy hóa bậc cao hoàn toàn đáp ứng yêu cầu 100% tự nhiên, tiệt trùng, sạch. Với công nghệ này, rau quả sẽ sạch, không nhiễm hóa chất, không chất bảo quản, không bị nhiễm virus, nấm mốc, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lẫn xuất khẩu.
 
Trong công nghệ plasma, chất oxy hóa bậc cao được gói vào bọt khí nano phân tán đều trong nước và động năng hạt mang điện bẻ gãy các chuỗi hydorocacbon (vi khuẩn, virus, nấm mốc), các vòng benzen (dư lượng hóa chất) và làm sạch hiệu quả. Hệ thống tiệt trùng và làm sạch rau củ quả bằng plasma gồm các sản phẩm tiêu biểu như máy tạo nước oxy hóa cao kết hợp nano buble, máy tạo nước sạch, máy tiệt trùng khí, máy rửa rau,…
 
Ưu điểm của hệ thống là xử lý linh hoạt, nhỏ gọn, dễ dàng lắp ráp, tự động hoàn toàn, dễ dàng nâng cấp, an toàn, hiệu quả cao, chi phí thấp. Hệ thống có thể áp dụng cho nhiều loại rau củ quả, rong nho, tảo hay xử lý các sản phẩm tổ yến, bún, phở, giúp hạn chế hóa chất, đạt các tiêu chuẩn sạch khuẩn, tươi ngon, bảo quản lâu.
 
Tại hội thảo Ứng dụng công nghệ lên men tận dụng các phụ phẩm từ mít, thanh long trong quá trình sản xuất và chế biến trái cây để tạo ra các nguồn nguyên liệu như mứt, tinh bột, TS. Phạm Minh Nhựt (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM - HUTECH) đã cung cấp các thông tin liên quan đến sản xuất và chế biến trái cây; các phụ phế phẩm trong quá trình chế biến trái cây và việc ứng dụng công nghệ vi sinh để tận dụng các nguồn phụ phế phẩm này.
 
Theo TS. Phạm Minh Nhựt, nền nông nghiệp Việt Nam hiện tồn tại vấn đề lãng phí tài nguyên phụ phế phẩm nông nghiệp, trong khi đây là nguồn nguyên liệu quý giá. Nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp tại Việt Nam hiện rất dồi dào, chưa được sử dụng hết, có thể gây ra các hiện tượng ô nhiễm môi trường.
 
Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu thuộc ngành công nghệ sinh học của HUTECH đã phát triển thành công giải pháp sinh học (công nghệ lên men) trong tận dụng nguồn phụ phế phẩm từ ngành công nghiệp chế biến trái cây như thanh long, mít, chuối và các loại trái cây phụ phẩm giá trị kinh tế thấp (xoài, ổi, táo, mận). Đối với thanh long, nguồn phụ phế phẩm có thể tận dụng là vỏ thanh long, dây (thân cây) thanh long, hạt thanh long. Đối với mít, có thể tận dụng xơ mít, hạt mít, vỏ mít. Phụ phẩm chuối là vỏ chuối, thân cây chuối.
 
Tận dụng nguồn phụ phế phẩm này, có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị như giấm trái cây, nước trái cây lên men, dầu hạt thanh long, nguyên liệu cho thực phẩm, tinh bột chất lượng cao (từ hạt mít),… Qua đó vừa giúp tối ưu chi phí sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí xử lý môi trường, nâng cao giá trị sử dụng các sản phẩm trái cây Việt Nam, cũng như tăng giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.
 
Techmart Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch năm 2022 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trong hai ngày 19&20/5 tại Sàn Giao dịch công nghệ (79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1) và tại địa chỉ techmart.techport.vn. Sự kiện thu hút đông đảo khách tham quan, tham dự cả 3 hoạt động chính là trưng bày giới thiệu CN&TB, hội thảo giới thiệu công nghệ, tư vấn chuyên gia về công nghệ, tạo nên không khí sôi động tại Techmart.
 
Đối với Techmart trực tuyến sẽ diễn ra đến hết tháng 11/2022. Các doanh nghiệp, đơn vị quan tâm có thể tham gia gian hàng bất kỳ lúc nào tại đây.
Lam Vân (CESTI)
Scroll