Techmart chế biến thực phẩm 2017 giới thiệu: sản xuất nước quả cô đặc bằng công nghệ JEVA

Không những đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô công nghiệp ở nhà máy, thiết bị ứng dụng công nghệ JEVA còn thích hợp triển khai tại các cơ sở chế biến nước quả quy mô nhỏ, không có nguồn nguyên liệu ổn định.

Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI – thuộc Sở KHCN TP.HCM) ngày 10/11/2017 tổ chức buổi hội thảo giới thiệu công nghệ và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp và áp suất thường.

TS. Nguyễn Minh Tân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các Hợp chất thiên nhiên (INAPRO – thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết dù nước ta có điều kiện thuận lợi cho trồng trọt các loại cây ăn quả, điển hình là doanh thu xuất khẩu hoa quả năm 2016 đạt gần 2,4 tỷ USD – tăng 30% so với năm 2015, nhưng phần lớn hoa quả được tiêu thụ dưới dạng quả tươi nên giá trị sản phẩm biến động theo thị trường. Số liệu thống kê cho thấy chỉ khoảng 10% lượng hoa quả được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm chế biến, nên dù được mùa thì nông dân vẫn cứ thua lỗ như tình trạng “được mùa – mất giá” phổ biến hiện nay.

TS. Nguyễn Minh Tân giới thiệu công nghệ JEVA.

Do đó, việc cô đặc nước quả đã được một số đơn vị tiến hành chế biến, bởi cách làm này tạo ra sản phẩm chất lượng cao và có nhu cầu tiêu thụ ổn định nhờ được sử dụng như là nguyên liệu đầu vào trong công nghiệp sản xuất thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Mặt khác, quá trình cô đặc nước quả có thể tiến hành với nguyên liệu quả không đồng đều, lại còn giúp tiết kiệm chi phí chuyên chở, kho bãi lưu trữ so với hình thức quả tươi.

Thông qua các dự án quốc tế hợp tác phát triển công nghệ với Áo, INAPRO đã nghiên cứu công nghệ cô đặc nước quả tích hợp quá trình màng Juice EVAporation Technology (JEVA) và thử nghiệm thành công ở quy mô công nghiệp. Do đó, công nghệ này đã sẵn sàng được chuyển giao cho doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm.

Cụ thể, công nghệ JEVA có khả năng cô đặc nước quả theo nguyên lý của các quá trình màng, thuần vật lý và không hề dùng hóa chất, tại nhiệt độ không cao (từ 30-45 độ C, theo tiêu chuẩn châu Âu) và áp suất thường. Trong quá trình cô đặc, dịch nước quả còn được khử trùng bằng tia UV với mật độ chiếu cao. Độ cô đặc của nước quả có thể đạt đến trên 65°Brix, nhờ đó giữa được tối đa hương và khoáng chất tự nhiên, cho chất lượng sản phẩm rất tốt, đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Mỹ.

Thiết bị ứng dụng công nghệ JEVA do INAPRO sản xuất khá gọn, chỉ bằng ½ container 20 feet, có tính cơ động cao do chỉ cần đường nối điện và đường nước làm mát. Mặt khác, do thiết bị được tích hợp module cô đặc tuần hoàn khí và bơm nhiệt (không dùng hơi đốt, lò hơi) nên cơ sở chế biến nước quả không cần phải trang bị hạ tầng kỹ thuật phức tạp, lại có thể di chuyển dễ dàng, có thể điều khiển tự động và vận hành từ xa (qua Internet). Quy trình vận hành chỉ cần 1-2 lao động đảm nhận việc vệ sinh thiết bị sau sử dụng.

Theo TS. Nguyễn Minh Tân, so với các thiết bị cô đặc nước quả có trên thế giới, thiết bị ứng dụng công nghệ JEVA có thể cô đặc nhiều loại nước quả khác nhau như ổi, vải, dưa hấu, chanh dây, thanh long. Tùy theo quy mô sản xuất, cơ sở chế biến nước quả có thể chọn dòng sản phẩm có năng suất phù hợp, như thiết bị cỡ nhỏ JEVA4 có khả năng xử lý khoảng 1 tấn quả/ngày, hoặc chọn thiết bị cỡ lớn có thể xử lý đến 200 tấn quả/ngày (tùy theo chủng loại quả).

Công nghệ JEVA được giới thiệu tại Chợ công nghệ và thiết bị chế biến thực phẩm năm 2017 cùng sự kiện Hội chợ triển lãm nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm 2017 – Lần 6 (HITECH AGRO 2017), diễn ra từ ngày 09-13/11/2017 tại Công viên Lê Văn Tám, đường Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM.

Các đơn vị có nhu cầu chuyển giao công nghệ và thiết bị vui lòng liên hệ theo địa chỉ: Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM; ĐT: (028) 35210735 - Fax: (028) 3829 1957; Email: techmart@cesti.gov.vn

Kim Hoàn
Scroll