Tăng khả năng hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất tinh bột biến tính

Tại sự kiện kết nối ý tưởng với chủ đề “Công nghệ sản xuất tinh bột biến tính bằng phương pháp sinh học”, các đơn vị cung ứng công nghệ và doanh nghiệp sản xuất đã cùng gặp gỡ và trao đổi để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ phục vụ cho quá trình sản xuất.
Sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức ngày 03/12/2021 bằng hình thức trực tuyến.
 
Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) cho biết, sự kiện kết nối ý tưởng được tổ chức định kỳ hàng tháng tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM nhằm kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ với doanh nghiệp sản xuất để giải quyết bài toán công nghệ cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bên cầu có dịp gặp gỡ trao đổi không chỉ với một mà với nhiều nhà cung ứng công nghệ, với các chuyên gia để mang lại nhiều lựa chọn hiệu quả cho doanh nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm công nghệ sản xuất tinh bột biến tính bằng phương pháp sinh học của Công ty CP Fococev Việt Nam, CESTI tổ chức sự kiện kết nối ý tưởng với sự tham gia giới thiệu công nghệ của các chủ sở hữu công nghệ, chuyên gia tư vấn và các nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Sau phiên kết nối này, các doanh nghiệp có nhu cầu sẽ tiếp tục được CESTI hỗ trợ để làm việc trực tiếp với nhà cung ứng, tiếp tục thảo luận, đàm phán để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ.
 
Theo PGS.TS. Trịnh Khánh Sơn (Phó trưởng Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), hiện nay có nhiều loại tinh bột thô như bột mì (sắn), bột gạo, bột bắp, khoai,… Tuy nhiên tinh bột thô không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khác nhau do không có tính năng tính năng đặc biệt như độ nhớt, độ trong, độ kết dính, độ đặc, độ đàn hồi, chứa các nhóm chức hóa học đặc biệt; giá trị dinh dưỡng không phù hợp, chỉ số GI (đường huyết) cao,… Do đó, nhu cầu luôn đặt ra là làm sao tăng giá trị của sản phẩm từ tinh bột thô.
 
Tinh bột biến tính hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp dệt nhuộm (hồ hóa vải, nhuộm vải); trong công nghiệp dược (tá dược, chất độn, chất bảo vệ); công nghiệp thực phẩm (nguyên liệu, nguyên liệu phụ, phụ gia, các chế phẩm đặc biệt,…). Về các phương pháp biến tính, hiện có các phương pháp hóa học, vật lý, sinh học, trong đó phương pháp sinh học thường sử dụng enzyme. Thực tế, các nhà máy ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào tinh bột sắn và một số loại tinh bột biến tính như acetate, phosphate, oxi hóa... Do đó chưa đa dạng mức độ biến tính để đáp ứng các yêu cầu khác nhau; chưa đa dạng sản phẩm tinh bột biến tính; ngành tinh bột biến tính còn mang tính tự phát. Nhu cầu hợp tác của ngành tinh bột biến tính hiện nay là R&D sản phẩm; tư vấn công nghệ; đào tạo; sự phối hợp giữa đơn vị cung ứng nguyên liệu, đơn vị cung ứng thiết bị - công nghệ và đơn vị xây dựng.
 
 
TS. Phạm Minh Nhựt đề xuất giải pháp công nghệ sản xuất tinh bột biến tính. 
 
Trình bày tại phiên kết nối ý tưởng, TS. Phạm Minh Nhựt (Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Viện Khoa học Ứng dụng - Đại học HUTECH) đã đề xuất giải pháp phân hủy tinh bột sắn bằng công nghệ vi sinh. Công nghệ này là sự kết hợp giữa men vi sinh và enzyme. Nguyên liệu được sơ chế và tiến hành ủ men, sau đó xử lý enzyme 2 lần để thu tinh bột biến tính. Trong đó men TPH được nghiên cứu chứa hỗn hợp vi sinh vật giúp phân giải tinh bột, xử lý enzyme lần 1 bằng enzyme Amylase, lần 2 bằng enzyme Glucoamylase. Công nghệ tương đối đơn giản, dễ thực hiện, có thể triển khai ở quy mô lớn.
 
TS. Đỗ Việt Hà (Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, ĐH Nông lâm TP.HCM) chia sẻ, để sản xuất tinh bột biến tính từ tinh bột sắn, có thể sử dụng enzyme thương mại (dạng enzyme thủy phân) hoặc enzyme tái tổ hợp để tạo ra Maltodextrin (sản phẩm có ứng dụng rất phổ biến trong công nghiệp thực phẩm). Trong đó, enzyme tái tổ hợp có thể sản xuất trong nước bằng công nghệ tái tổ hợp (lên men vi sinh vật) với quy mô công nghiệp để giảm giá thành sản phẩm. Hiện nhóm nghiên cứu của TS. Hà có thể hợp tác theo hướng sản xuất Maltodextrin và các tinh bột biến tính bằng enzyme tái tổ hợp hoặc các enzyme thương mại. Phương pháp này khá đơn giản và hiệu quả.
 
Theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Thủy (Khoa Cơ khí và Công nghệ, ĐH Nông lâm – ĐH Huế), tinh bột sắn tại Việt Nam được sản xuất rất nhiều nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, chưa có công nghệ chế biến sâu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến từ tinh bột. Sự kiện kết nối ý tưởng rất có ý nghĩa trong việc kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp để áp dụng các thành tựu nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhóm nghiên cứu của Khoa Cơ khí và Công nghệ đã nghiên cứu thủy phân tinh bột bởi enzyme α-amylase chịu nhiệt tạo nên glucose và dextrin ở quy mô phòng thí nghiệm. Đến với sự kiện kết nối ý tưởng, nhóm sẵn sàng tham gia hợp tác với doanh nghiệp để đưa công nghệ vào ứng dụng sản xuất, góp phần đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ tinh bột, phát triển nhiều sản phẩm khác nhau, phục vụ nghiên cứu sâu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.
 
 
Phần trao đổi, thảo luận giữa bên cung và cầu công nghệ tại sự kiện 
 
Ông Lê Viết Minh (đại diện Công ty CP Fococev Việt Nam) cho rằng, sự kiện kết nối ý tưởng đã cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho doanh nghiệp. Tinh bột biến tính có rất nhiều sản phẩm ứng dụng khác nhau, doanh nghiệp sản xuất luôn mong muốn làm ra các sản phẩm sâu hơn sau tinh bột để nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nay, tinh bột biến tính như đường fructose được ứng dụng nhiều trong ngành sản xuất thực phẩm (bánh kẹo, bia) nhưng chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Nếu doanh nghiệp trong nước sản xuất được fructose sẽ mang lại những lợi ích rất lớn. Sau sự kiện này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp gỡ, trao đổi cụ thể với các đơn vị cung cấp enzyme cũng như công nghệ sản xuất fructose (hoặc các sản phẩm cụ thể khác) để có thể tiếp nhận sản phẩm nghiên cứu có sẵn từ các nhà khoa học trong nước. 
Lam Vân
Scroll