Sản xuất xe phun thuốc trừ sâu tự hành: "hạnh phúc" của người làm khoa học

Sản phẩm làm ra xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực tế của người nông dân và quay trở về phục vụ cho người nông dân, được họ chấp nhận, đó là hạnh phúc của những người làm khoa học. Quan điểm được TS. Trần Viết Thắng (Phân viện trưởng – Phân viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa tại TP.HCM) chia sẻ tại chương trình Hợp tác công nghệ "Xe phun thuốc trừ sâu tự hành" do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức ngày 18/9/2020.
Xe phun thuốc trừ sâu tự hành được Phân viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa TP.HCM chế tạo thành công qua đề tài nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí thực hiện, nghiệm thu năm 2019.
 
TS. Trần Viết Thắng cho biết, ngay từ đầu khi thực hiện đề tài, các yêu cầu kỹ thuật thiết kế xe phun thuốc đã được nhóm nghiên cứu khảo sát thực tế, đặc biệt là dựa trên các yêu cầu và kinh nghiệm sử dụng của người nông dân trên đồng ruộng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, các kết quả đạt được có thể áp dụng chế tạo hàng loạt cung cấp ra thị trường, mang lại lợi ích cho người sử dụng.
 
 
TS. Trần Viết Thắng giới thiệu về xe phun thuốc trừ sâu tự hành
 
Sản phẩm xe phun thuốc trừ sâu tự hành có nhiều ưu điểm như: vận hành linh hoạt trên mọi loại hình ruộng lúa, kể cả ruộng lúa nước có bùn sụt lún, không làm nát lúa; đảm bảo năng suất phun từ 25.000-30.000 m2/giờ; xe hoạt động ổn định, cân bằng từ khi thuốc đầy bình chứa đến hết; có khả năng tự hành theo đường thẳng và điều khiển từ xa với bộ điều khiển có khả năng chống nhiễu điện trường từ động cơ xăng, tầm xa điều khiển 250m;…
 
Sản phẩm được nhóm nghiên cứu thiết kế chế tạo mới, hoàn thiện hơn, trên cơ sở tiếp cận sản phẩm thực tế của kỹ sư Trần Quốc Tuấn (Cơ sở sản xuất máy nông nghiệp Châu Phú, An Giang). Sản phẩm của kỹ sư Trần Quốc Tuấn đã được sản xuất và cung cấp cho các hộ nông dân sử dụng với giá từ 40-60 triệu đồng/xe. Việc nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm để sản xuất hàng loạt với giá thành thấp (khoảng 35-50 triệu đồng/xe, loại 60 kg và 120 kg thuốc phun) và cung cấp cho nông dân hoặc các cơ sở dịch vụ bảo vệ thực vật là mong muốn của nhóm tác giả, và cũng là đặt hàng của Cơ sở Châu Phú. Tại sự kiện Hợp tác công nghệ do CESTI tổ chức, hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm xe phun thuốc trừ sâu tự hành đưa ra thị trường. 
 
Ký kết biên bản ghi nhớ tại chương trình Hợp tác công nghệ
 
Ở góc độ là nhà khoa học, TS. Trần Viết Thắng đánh giá cao tính thiết thực của chương trình Hợp tác công nghệ và vai trò kết nối của CESTI. Để tổ chức chương trình, CESTI đã nỗ lực khảo sát thực tế, kết nối các bên liên quan sao cho sát nhất với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào phục vụ đời sống, xã hội. Xe phun thuốc trừ sâu tự hành là sản phẩm nghiên cứu sát với thực tế, được người nông dân chấp nhận sử dụng, nghĩa là sản phẩm có hiệu quả và mang lại lợi ích cho họ. Vì vậy, tiếp cận chương trình Hợp tác công nghệ, nhóm tác giả sẵn sàng hợp tác sản xuất, chia sẻ kết quả nghiên cứu để làm sao sản phẩm được người nông dân sử dụng nhiều nhất, phục vụ cho xã hội nhiều nhất. Đó chính là hạnh phúc của người làm khoa học. 
 
 
Phần thảo luận, chia sẻ ý kiến của các cá nhân, đơn vị tham gia chương trình 
 
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Bùi Trung Thành (Viện Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ, Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho rằng, Hợp tác công nghệ là mô hình thiết thực, thể hiện góc nhìn mới của CESTI. Các nhà khoa học thường có nhiều ý tưởng mới, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng tốt. Tuy nhiên, để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu còn cần nhiều khâu như tiếp cận thị trường, đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm,… trong khi đa phần các nhà khoa học không giỏi các khâu này. Mô hình Hợp tác công nghệ có thể kết nối và tạo ra cơ hội tiếp cận trực tiếp giữa các bên liên quan (nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư) để đi đến những hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ,…Trong đó, các nhà khoa học dễ dàng tiếp cận với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các đơn vị có nhu cầu ứng dụng công nghệ, nhanh chóng đưa sản phẩm ứng dụng vào thực tế. 
 
 
 
Bằng chứng là tại chương trình Hợp tác công nghệ "Xe phun thuốc trừ sâu tự hành", các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cơ khí, trung tâm khuyến nông,…đã gặp gỡ trực tiếp và cùng nhau "hiến kế" để sản phẩm được hoàn thiện và đưa ra thị trường. Bên cạnh việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Cơ sở Châu Phú, Phân viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa TP.HCM cũng ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty CP Máy và Thiết bị công nghiệp Quốc Tế (TP.HCM), doanh nghiệp cơ khí Ngọc Chẵn (Kiên Giang). Đồng thời ký kết với Viện Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm robot phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng trong nhà kính.
 
Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của cả nước với diện tích gần 41.000 km2, cung cấp hơn 50% sản lượng gạo cho quốc gia và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Điều này dẫn đến nhu cầu rất lớn về các thiết bị cơ giới hóa - tự động hóa sản xuất lúa, trong đó có thiết bị tự động phun thuốc trừ sâu. Đây cũng là yếu tố thuận lợi để triển khai sản xuất sản phẩm xe phun thuốc trừ sâu tự hành cung cấp ra thị trường.
 
 
Bà Bùi Thanh Bằng phát biểu tại sự kiện 
 
Theo bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI), thông qua chương trình Hợp tác công nghệ, CESTI mong muốn kết nối các nhà nghiên cứu, nhà sản xuất, doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm, thiết bị công nghệ thiết thực nhất phục vụ cho quá trình sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm xe phun thuốc trừ sâu tự hành không chỉ khai thác được hiệu quả kinh tế mà còn thúc đẩy ứng dụng tự động hóa khâu phun thuốc trừ sâu, góp phần đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường và giảm ảnh hưởng độc hại cho sức khỏe người đi phun thuốc. Sau chương trình này, CESTI vẫn tiếp tục các hoạt động kết nối hỗ trợ để mở rộng khả năng hợp tác sản xuất, triển khai ứng dụng sản phẩm vào thực tế. 
Lam Vân
Scroll