Que thử phát hiện nhanh AHPND: giải pháp kiểm soát sớm dịch bệnh trên tôm nuôi

Que thử phát hiện nhanh bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) được nghiên cứu phát triển tại trường đại học, có nhiều ưu điểm như tính đặc hiệu, đơn giản, phát hiện nhanh, thực hiện tại thực địa. Sản phẩm có thể đưa vào sử dụng, giúp người nuôi chủ động xử lý dịch bệnh nguy hiểm trên tôm.
Đây là nội dung của hội thảo “Ứng dụng que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND) trên tôm nuôi ở Tây Nam Bộ” trong khuôn khổ Techmart Công nghệ sinh học trực tuyến 2021 diễn ra ngày 26/11.
 
Theo PGS.TS. Trần Văn Hiếu (Phó chủ nhiệm Khoa Sinh học & Công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM), bệnh hoại tử gan tụy cấp là một loại bệnh khiến tôm chết sớm, gây bệnh chủ yếu trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng với tỷ lệ chết lên đến 100%, khả năng lây lan nhanh chóng. Biểu hiện tôm bệnh là dạ dày rỗng, gan tụy trong, ruột rỗng. Bệnh gây ra bởi độc tố ToxA và ToxB mã hóa từ plasmid pVA của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, gây tổn thất nặng nề trong ngành nuôi tôm. Hiện nay chưa có phương pháp chữa trị bệnh AHPND nên cần có phương pháp phát hiện bệnh chính xác và nhanh chóng ngay tại thực địa để người nuôi tôm có hướng xử lý kịp thời.
 
Trong đó, que thử nhanh là một giải pháp tiềm năng cho việc phát hiện bệnh AHPND. Nhóm nghiên cứu của Khoa Sinh học & Công nghệ sinh học đã phát triển que thử phát hiện nhanh AHPND dựa trên tương tác kháng nguyên - kháng thể với các ưu điểm như đặc hiệu, đơn giản, kết quả trực quan, phát hiện nhanh, thực hiện tại thực địa. Nguyên tắc hoạt động của que thử dựa trên kháng nguyên - kháng thể, trong đó kháng thể được tạo ra để nhận diện đặc hiệu (chỉ phát hiện ToxA và ToxB). Khi sử dụng, nếu âm tính là 1 vạch, dương tính là 3 vạch, que hỏng không lên vạch. Vạch đối chứng để đảm bảo que thử có hoạt động nhưng mẫu không có độc tố ToxA/B. Chỉ cần 5-10 phút là có thể đọc được kết quả.
 
 
PGS. TS. Trần Văn Hiếu giới thiệu về que thử phát hiện nhanh bệnh hoại tử gan tụy cấp tại hội thảo trực tuyến.
 
Kháng thể đã được kiểm tra đánh giá độ đặc hiệu và giới hạn phát hiện. Kết quả cho thấy chỉ phát hiện độc tố ToxA/B mà không nhầm lẫn các nhóm khác; giới hạn phát hiện ở mức nhỏ nhất (có ý nghĩa trong việc phát hiện sớm) với ToxA khoảng 6ng, ToxB là 3ng.
 
Que thử phát hiện nhanh AHPND đã được kiểm tra với tôm thực địa ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Các mẫu tôm nghi ngờ bệnh từ ao nuôi được tiến hành kiểm tra với que thử cho kết quả nhanh và chính xác.
 
TS. Hiếu cho biết, sản phẩm đã được hoàn thiện để thương mại hóa. Giá bán dự kiến của que thử khoảng 100 ngàn đồng. Quan trọng hơn, nhóm đã nghiên cứu được công nghệ tạo ra que thử với khả năng sản xuất các loại que thử khác nhau cho các loại bệnh khác nhau. Hiện tại, bênh cạnh que thử nhanh AHPND, nhóm có thể sản xuất que thử cho các loại bệnh khác theo nhu cầu đặt hàng. Để tạo các que thử khác, chỉ cần thay kháng thể. Ngoài ra, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu chế phẩm sinh học giúp ngăn chặn độc tố gây bệnh bám vào gan tụy tôm, đây là một hướng phòng bệnh AHPND, góp phần giải quyết bài toán kiểm soát sớm dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp trong khi chưa có phương pháp chữa trị.
Lam Vân
Scroll