Quản lý trang trại thủy sản dễ dàng với ứng dụng Farmext

Farmext là ứng dụng giúp cho các doanh nghiệp hay những hộ nuôi trồng thủy sản có thể theo dõi và giám sát trang trại nuôi từ xa thông qua những thiết bị IoT được lắp đặt tại các ao nuôi, từ đó tiết kiệm được chi phí và giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi trồng thủy sản.
Ngày 29/6/2022, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH Tép Bạc tổ chức hội thảo giới thiệu “Giải pháp quản lý trang trại nuôi trồng thuỷ sản từ xa - Farmext”.
 
Theo ông Trần Duy Phong (CEO Công ty Tép Bạc), hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản gặp những thách thức như rủi ro về dịch bệnh ngày càng lớn; chưa ứng dụng công nghệ vào quản lý trại nuôi, nhất là những trại nuôi ở quy mô hộ nông dân; đầu ra bấp bênh (được mùa mất giá). Thực tế, người nuôi tôm phải “đánh cược” với nhiều yếu tố như giá cả, dịch bệnh, thời tiết, chất lượng vật tư đầu vào, nhân công,… Những yếu tố này rất biến động, hầu như không kiểm soát được, ảnh hưởng đến vụ mùa, kết quả thu hoạch.
 
Đứng trước thực trạng này, Tép Bạc đã phát triển công cụ quản lý tập trung vào các yếu tố dễ dàng, hữu ích cho các trại nuôi. Theo đó, ứng dụng Farmext là sự kết hợp các công nghệ hàng đầu như lưu trữ đám mây, Big data, IoT,… hỗ trợ người nuôi ghi chép nhật ký nhanh chóng, quản lý thu chi và cảnh báo dịch bệnh.
 
 
Ông Trần Duy Phong (CEO Công ty Tép Bạc) trình bày tại hội thảo
 
Farmext cho phép người nuôi ghi nhật ký hàng ngày một cách chính xác, cụ thể, dễ dàng cho cả những người không rành công nghệ. Qua đó có thể theo dõi và quản lý chi tiết từng loại thức ăn, thuốc trộn, hóa chất xử lý, tùy chọn các chỉ số môi trường sao cho phù hợp. Đồng thời xem những báo cáo tổng quan về trại nuôi, xem cảnh báo ao nào có vấn đề về dịch bệnh để kịp thời xử lý.
 
Về quản lý thu chi, Farmext giúp khách hàng có thể tính toán chi phí mỗi ngày, phân tích chi phí theo thời gian cụ thể, tự động hạch toán chi phí đầy đủ của mỗi vụ nuôi, từ đó giúp khách hàng có thể bám sát chi phí cho cả vụ nuôi ở bất kỳ thời điểm nào, tính toán sản lượng, chi phí để cân nhắc, quyết định khi nào bán ra thì có lợi nhất. Khi vụ nuôi kết thúc, Farmext sẽ hỗ trợ tính toán chi phí hoàn toàn tự động, giúp người nuôi biết được tổng chi phí, doanh thu và lợi nhuận của vụ nuôi.
 
Ngoài ra, tính năng quản lý kho của Farmext giúp người nuôi lập kế hoạch nhập thêm sản phẩm phục vụ cho sản xuất, đồng thời thông báo đến người dùng khi sản phẩm trong kho sắp hết. Tính năng này cũng cho phép người nuôi quản lý nhập tồn kho; ghi chép lịch sử đã xuất theo từng loại thức ăn, hóa chất của từng vụ cụ thể và chính xác; thống kê số sản phẩm còn lại trong kho và tự động xuất sản phẩm theo nhật ký.
 
Ông Trần Duy Phong cho biết, Farmext có giao diện đơn giản, dễ sử dụng, hiện sử dụng được trên các thiết bị di động (iOS, Android) và Web app. Người nuôi tôm cũng có thể dễ dàng triển khai lắp đặt ngay tại ao nuôi mà không tốn nhiều công sức.
 
Mô hình ao nuôi tự động ứng dụng giải pháp Farmext sẽ bao gồm những thiết bị như quạt nước, máy sục khí, máy cho ăn, máy đo môi trường tự động. Các thiết bị này được kết nối với tủ điều khiển (có thể điều khiển bằng tay hoặc điều khiển từ xa qua ứng dụng điện thoại). Trong đó, máy đo môi trường sẽ liên tục đo các chỉ số môi trường và cảnh báo những chỉ số bất lợi, tự động điều chỉnh các thiết bị trong ao. Tất cả việc điều khiển, quản lý, giám sát có thể thao tác trên phần mềm quản lý trại nuôi.
 
Để sử dụng, người dùng chỉ cần mua những thiết bị và lắp đặt trên ao nuôi, sau đó tải ứng dụng Farmext trên CH play hoặc App store và thực hiện quản lý, theo dõi, điều khiển thiết bị qua điện thoại di động. Việc điều khiển từ xa cho phép người dùng điều khiển bật/tắt các thiết bị trong ao, điều khiển theo hẹn giờ, điều khiển theo những chế độ môi trường, theo chế độ cho ăn,...
 
Ông Phong chia sẻ thêm, định hình là một startup công nghệ trong lĩnh vực thủy sản, Tép Bạc có 3 lợi thế là đã phát triển được nền tảng quản lý trại nuôi hoàn thiện, phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam; công nghệ tự động vệ sinh và bảo quản đầu dò, giúp đầu dò hoạt động chính xác liên tục dưới ao mà người nuôi không cần phải vệ sinh; tập trung phát triển hệ sinh thái ngành thủy sản hoàn chỉnh từ tự động hóa cho đến quản lý trại nuôi và truy xuất nguồn gốc.
 
Mô hình ao nuôi tự động ứng dụng giải pháp của Tép Bạc hiện đã được sử dụng tại các trại nuôi tôm, cá ở Cà Mau, Cần Giờ, Đồng Nai, Vũng Tàu… Mô hình nuôi này đạt được những kết quả tích cực, giúp người nuôi dễ dàng vận hành và quản lý trại nuôi, tiết kiệm được chi phí, giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi và mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho mỗi vụ nuôi. Đồng thời góp phần giảm tác động môi trường, truy xuất được nguồn gốc thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn.
Lam Vân (CESTI)
Scroll