Nhiều phương án hợp tác triển khai ứng dụng công nghệ khí canh sản xuất dược liệu

Nhiều ý kiến đề xuất, mong muốn hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất và chuyển giao công nghệ đã được trao đổi trực tiếp và đạt được các thỏa thuận cụ thể ngay tại sự kiện Hợp tác công nghệ "Quy trình nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh", hứa hẹn mang lại lợi ích kép cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người nông dân.
Sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức ngày 26/11, thu hút đông đảo các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và chuyên gia, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sinh học, dược,…tham dự. Các bên đã có nhiều trao đổi, thỏa thuận các phương án hợp tác, chuyển giao công nghệ, hình thành nhiều ghi nhớ hợp tác chuyển giao quy trình nhân giống vô tính cây giống dược liệu, rau ôn đới và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh giữa Viện Sinh học Nông nghiệp Tất Thành và các doanh nghiệp tham gia sự kiện.
 
 
Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) điều phối chương trình 
 
Đáng chú ý, ngay tại chương trình, các bên đã đề xuất nhiều phương án khả thi và chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, như phương án hợp tác chuyển giao quy trình nhân giống cây dược liệu bằng công nghệ khí canh và cung cấp cây giống, phân hữu cơ sạch giữa 3 đối tác cùng tham dự sự kiện. Theo đó, phương án này sẽ khai thác, phát triển các sản phẩm từ cây đinh lăng, cây sachi (như nước đinh lăng, trà đinh lăng, chế biến dầu sachi và các sản phẩm thực phẩm chức năng, dược liệu từ cây sachi) để mang lại lợi ích kinh tế cho các bên. Phương án hợp tác nghiên cứu sử dụng dung dịch dinh dưỡng dưới dạng hữu cơ trong công nghệ khí canh; xây dựng quy trình khí canh canh tác dâu tây và các loại hoa trong điều kiện khí hậu bán nhiệt đới qua việc xây dựng mô hình nhà màng ứng dụng tổng hợp các yếu tố công nghệ thích hợp để canh tác cây bán nhiệt đới, cụ thể là trồng cây dâu tây, hoa cẩm chướng, lan hồ điệp trong điều kiện TP.HCM. Mô hình này sẽ giúp mang lại lợi ích kép cho người nông dân (bán được sản phẩm tại chỗ và hình thành vùng du lịch sinh thái, phục vụ các hoạt động tham quan, thưởng thức tại chỗ các vườn hoa, vườn dâu tây cho người dân TP.HCM). Đồng thời cung cấp các sản phẩm đảm bảo đúng tiêu chuẩn sạch, an toàn nhờ sử dụng dung dịch dinh dưỡng dưới dạng hữu cơ trong công nghệ khí canh. 
 
 
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa chia sẻ thông tin và đề xuất một số phương án hợp tác 
 
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới), đánh giá cao chương trình Hợp tác công nghệ do CESTI triển khai tổ chức. Theo ông, đây là một mô hình liên kết rất hay, giúp đưa các công nghệ mới vào phát triển mạnh ngành nông nghiệp. Với tư cách là một chuyên gia nông nghiệp, ông cho biết, cây dược liệu có giá trị kinh tế rất cao, nhưng chưa được chú trọng. Việc quản lý chủ yếu tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gần đây mới đánh giá giá trị cây dược liệu, nhưng chưa có sự chuẩn bị tốt. Trong đó, vai trò của khâu liên kết rất quan trọng nhưng lại còn rất yếu. Mô hình liên kết như chương trình Hợp tác công nghệ của CESTI sẽ giúp hình thành các liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành để cùng phát triển.
 
Cũng theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, hiện nay tỷ trọng cây dược liệu ở Việt Nam còn thấp. Việc các đơn vị tham gia chương trình Hợp tác công nghệ để cùng liên kết, ứng dụng công nghệ, phát triển cây dược liệu là một hướng đi rất hay. Vì vậy, ông "hiến kế" thêm: các doanh nghiệp đang sản xuất cây dược liệu có thể cùng hợp tác, ứng dụng công nghệ để mở rộng vùng trồng cây sachi (là loại cây có hàm lượng omega 3 rất cao, đã được trồng thành công ở Củ Chi), việc nhân rộng mô hình trồng cây này sẽ đem lại lợi nhuận lớn.
 
 
GS. TS Nguyễn Quang Thạch giới thiệu về công nghệ khí canh 
 
Nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh là giải pháp công nghệ đã được CESTI tiến hành khảo sát nhu cầu ứng dụng của doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Là kết quả từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của TP.HCM do Viện Sinh học Nông nghiệp Tất Thành (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) thực hiện, công nghệ khí canh có nhiều ưu việt như: môi trường hoàn toàn sạch bệnh: chu trình khép kín từ trồng đến thu hoạch; điều khiển được sinh trưởng phát triển của cây thông qua điều khiển môi trường nuôi trồng; tăng hệ số nhân, tăng năng suất cây trồng; giảm chi phí về nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; kết hợp công nghệ tin học, sinh học và tự động hóa.
 
Tại chương trình Hợp tác công nghệ, GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết, nhóm nghiên cứu của Viện Sinh học Nông nghiệp Tất Thành đã nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật khí canh trong nhân giống và tạo sinh khối cây trồng, cụ thể là cây khoai tây với hệ số nhân đạt 25 lần/vụ, sản xuất được khoai tây trái vụ ở Đồng bằng sông Hồng. Với cây dược liệu, ứng dụng thành công trong nhân giống và sản xuất sinh khối dược liệu cây đinh lăng và cây thìa canh. Công nghệ này giúp sản xuất giống đinh lăng sạch bệnh với hệ số nhân giống vượt trội: chỉ sau 7 tháng đầu, tính từ ngày đưa cây vào bồn mạ, có thể thu được lượng cây con là 1.200 cây/20 cây/m2, đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Số cây con nhân giống bằng công nghệ khí canh có thể thu được trong 1 năm lên tới 2.400 cây/20 cây/m2. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ khí canh cho chất lượng cây giống tốt, đồng đều, tỷ lệ sống cao (95%), cây sinh trưởng phát triển tốt, có thể nhân giống cây đinh lăng đạt hiệu quả cao ở quy mô lớn; cây thìa canh có hệ số nhân cao (đạt 20 cành giâm/tháng/cây). Ngoài ra, có thể sử dụng hệ khí canh cải tiến vòi phun, chế độ phun, hàm lượng nitơ trong dung dịch dinh dưỡng có thể làm tăng sinh khối rễ và thân lá cây thuốc. Khi trồng trên hệ thống khí canh với đinh lăng có thể đạt năng suất sinh khối thực thực thu 2,2 kg/m2 sau 90 ngày (tăng 218,8% so với đối chứng). Ứng dụng công nghệ khí canh cho giá thành sản xuất cây giống 2 loại cây dược liệu đinh lăng và thìa canh thấp (tương ứng là 1.222 đồng/cây và 501 đồng/cây), dễ được thị trường chấp nhận.
 
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác 3 bên ngay tại sự kiện 
 
Trước các ý kiến, đề xuất tại chương trình Hợp tác công nghệ, nhóm nghiên cứu sẵn sàng hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ để triển khai vào sản xuất trên quy mô lớn, không chỉ với cây dược liệu, mà còn cho các loại giống cây trồng, các loại rau, hoa, quả để thay thế các biện pháp truyền thống, đáp ứng nhu cầu cao về rau sạch cho thành thị. Đồng thời, ứng dụng công nghệ khí canh trong việc nhân giống cũng như sản xuất sinh khối (rễ, thân lá) cây dược liệu thay cho phương pháp sản xuất bằng biorector (phức tạp và tốn kém) để cung cấp cho ngành dược, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho ra những sản phẩm thật tốt, GS. Thạch chia sẻ.
 
Theo bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI), sự kiện Hợp tác công nghệ (thuộc chuỗi Cà phê công nghệ) được CESTI tổ chức triển khai trong năm 2020, nhằm giới thiệu các giải pháp công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ đến các đơn vị sản xuất, để góp phần đẩy mạnh, đẩy nhanh việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu KH&CN. Quá trình khảo sát thực tế trước khi tổ chức chương trình Hợp tác công nghệ “Quy trình nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh” đã cho thấy, nhu cầu ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp và thị trường là rất lớn. Các ý kiến, đề xuất và thiện chí hợp tác của các bên tham gia chính là những tín hiệu tích cực, cho thấy sự thiết thực của chương trình Hợp tác công nghệ đối với thực tiễn. Sau chương trình, CESTI sẽ tiếp tục hỗ trợ, kết nối, đồng hành với các đơn vị trong bàn bạc, đàm phán, thỏa thuận để đi đến các hợp đồng chuyển giao công nghệ. 
Lam Vân
Scroll