Lớp “màng bọc” kỳ diệu của sinh viên giúp bảo quản nông sản lên đến 20 ngày

Lớp màng bọc này là chế phẩm sinh học chitosan được tinh chế từ trái thanh long và vỏ tôm, giúp bảo quản trái cây lên đến 15 đến 20 ngày trong điều kiện môi trường bình thường.

Lớp “màng bọc” kỳ diệu của sinh viên giúp bảo quản nông sản lên đến 20 ngày - 1

Trần Lê Anh Khoa (trái) và các chế phẩm chitosan dưới dạng dung dịch tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM (BSA) tổ chức năm 2017.

Sản phẩm này là của Trần Lê Anh Khoa, sinh viên năm 3, ngành hóa phân tích, trường ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM.

Chế phẩm sinh học để" giải cứu" trái cây

Khoa sinh ra trong một gia đình chuyên trồng thanh long tại một vùng quê ở Tiền Giang. Đến vụ thanh long, nhiều nhà vườn cũng như gia đình Khoa luôn ở trong trạng thái như “ngồi trên đống lửa”. Nguyên nhân vì giá cả thanh long rất bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Thanh long thuận mùa có giá từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, còn vào mùa nghịch thì giá cao hơn khoảng 2.000 đến 3.000 đồng. Được giá như vậy thì nông dân phân khởi. Tuy nhiên, thương lái khi chọn mua thanh long cũng rất “kỹ càng” với những điều kiện như: trái phải nặng trên 350gr, vỏ không bị nứt, tai xanh…

Những trái thanh long không đạt tiêu chuẩn sẽ bị thu mua giá rất thấp, chỉ khoảng 500-1000 đồng/kg. Nhiều thương lái không thu mua thanh long không đạt tiêu chuẩn nên người dân phải làm thức ăn cho bò hoặc đổ bỏ.

Câu chuyện về trái cây lại tiếp tục ám ảnh Khoa khi là sinh viên trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Khoa là một trong những sinh viên tham gia chiến dịch “giải cứu chuối” cho nông dân Đồng Nai khi rơi vào cảnh được mùa mất giá.

“Nếu cứ đi theo hướng giải quyết một cách phi thị trường như vậy thì không thể nào giải quyết bài toán căn cơ được. Chuối để lâu quá thì dù có mua bằng sự chia sẻ thì người mua cũng rất băn khoăn. Những trái thanh long không đạt chuẩn và phải đổ bỏ, liệu có cách gì tạo ra giá trị cho nó. Từ những câu chuyện đó, em mới nghĩ đến việc tạo ra chế phẩm sinh học để bảo quản trái cây. Nếu giữ được trái cây lâu hơn, người nông dân sẽ vơi đi rất nhiều nỗi lo” - Khoa nói.

"Vỏ quýt dày có móng tay nhọn"

Với suy nghĩ này, Khoa đã nghiên cứu phương pháp tinh chế glucôzơ từ trái thanh long để làm chế phẩm sinh học. Điều này có thể giải quyết một phần bài toán thừa thành long không đạt chuẩn.

Lượng glucôzơ từ thanh long sẽ được lên men cùng với vỏ tôm (sử dụng vi sinh vật để lên men vỏ tôm). Hai chất này sẽ được tinh chế để cho ra chất chitosan tinh khiết. Chitosan có thể được nhúng trực tiếp vào dung dịch đã pha hoặc sử dụng ở chế độ phun sương.

Sau 3 đến 5 phút, chất chitosan sẽ tạo thành lớp màng bọc bảo quản bên ngoài vỏ trái cây. Lớp màng này sẽ ngăn chặn sự tiếp xúc giữa trái cây và môi trường, hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại. Đồng thời, lớp màng cũng hạn chế thoát hơi nước và giúp thoát khí axetylen nhiều hơn. Nhờ đó, trái cây có thể được giữ tươi lâu hơn.

Theo nghiên cứu của Khoa, chế phẩm sinh học từ chitosan có khả năng bảo quản nông sản tăng gấp 3 đến 4 lần so với cách bảo quản tự nhiên thông thường. Khoa đã đi kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của mình và cho kết quả đủ các tiêu chuẩn sử dụng trong việc bảo quản trái cây.

Theo Khoa, tất cả các loại trái cây đều có thể bảo quản được bằng phương pháp này. Song, với các loại nông sản có vỏ càng dày, sẽ được bảo quản tốt hơn.

Hiện tại, Khoa đã bào chế được chế phẩm sinh học chiosan dưới dạng dung dịch. Tuy nhiên, Khoa chưa muốn đưa sản phẩm ra thị trường ngay. Chàng trai này còn muốn nghiên cứu thử nhiều loại nồng độ chitosan phù hợp cho từng loại nông sản.

“Với chitosan, có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y học (chữa bỏng, tái tạo da), sinh học (công nghệ mô, nuôi cấy tế bào), mỹ phẩm (làm đẹp từ thiên nhiên)….Có thể nói, chitosan nếu biết khai thác thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con người” - Khoa khẳng định.

Theo Hà Thế An (Khám Phá)
Scroll