Kết nối ý tưởng: doanh nghiệp quyết định đầu tư ứng dụng công nghệ Việt

Trước đây, doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận và ứng dụng công nghệ của nước ngoài, nay thông qua sự kiện kết nối này, doanh nghiệp nhận thấy giá trị của công nghệ Việt và quyết định đầu tư ứng dụng công nghệ Việt Nam vào quá trình sản xuất sản phẩm xoài sấy dẻo.
Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát Tonasia – Đồng Tháp) tại sự kiện Kết nối ý tưởng “Công nghệ và thiết bị sản xuất xoài sấy dẻo” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức ngày 11/6/2021 bằng hình thức trực tuyến qua ứng dụng Teams của Microsoft.
 
Trước đó, bà Hạnh đã nêu yêu cầu thực tế của Tonasia là cần chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất xoài sấy dẻo từ khâu ủ chín, rửa, gọt vỏ, cắt má, ủ đường đến sấy dẻo. Công suất dây chuyền là 3 tấn thành phẩm/ngày. Ngoài ra, doanh nghiệp cần được tư vấn để đầu tư hệ thống xử lý nước cấp, nước thải cho nhà máy sản xuất xoài sấy dẻo.
 
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ các yêu cầu của Tonasia với các nhà cung ứng tại sự kiện. 
 
Tại sự kiện Kết nối ý tưởng, bên cung ứng đã trình bày các giải pháp công nghệ như: công nghệ bảo quản sấy dẻo xoài và tận dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất (Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch); dây chuyền thiết bị sản xuất xoài sấy dẻo quy mô 3 tấn thành phẩm/ngày (Công ty CP Công nghiệp lạnh Nam Phú Thái); dây chuyền thiết bị sản xuất xoài sấy dẻo (Công ty CP Kỹ Nghệ Xanh Việt Nam); công nghệ ủ chín và hệ thống rửa xoài (Công ty CP Quốc tế Sao Nam); máy bơm sấy nhiệt trong quy trình sản xuất xoài sấy dẻo (Công ty CP Máy sấy Hai Tấn); giải pháp xử lý nước thải và nước cấp cho doanh nghiệp sản xuất nông sản (Công ty TNHH Môi trường Việt Thái Sinh). 
 
Nhà cung ứng trình bày các giải pháp công nghệ tại sự kiện. 
 
Sau đó, đại diện Tonasia cùng các đơn vị cung ứng đã trao đổi, thảo luận về nhu cầu hợp tác, chuyển giao công nghệ, cũng như giải đáp các thắc mắc về kỹ thuật liên quan giữa nhà cung ứng và doanh nghiệp có nhu cầu. Cụ thể, sau buổi kết nối, Tonasia đề nghị làm việc trực tiếp với từng đơn vị cung ứng để tìm hiểu, trao đổi sâu hơn về: dây chuyền thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất xoài sấy dẻo (Kỹ Nghệ Xanh Việt Nam); sản phẩm máy sấy bơm nhiệt trong quy trình sản xuất xoài sấy dẻo (Hai Tấn); công nghệ ủ chín xoài (Sao Nam); công nghệ bảo quản, ủ chín và sấy dẻo xoài (Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ Sau thu hoạch); công nghệ xử lý nước thải và nước cấp cho doanh nghiệp sản xuất xoài sấy dẻo (Việt Thái Sinh).
 
Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) cho biết, xoài là một loại trái cây quen thuộc của Việt Nam, với diện tích trồng xoài lên đến 87 ngàn hecta (đứng 13 trên thế giới). Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 50% diện tích trồng xoài cả nước, tổng sản lượng xoài năm 2020 là hơn 550 ngàn tấn. Các sản phẩm chế biến từ xoài có rất nhiều trên thế giới, như mứt xoài, siro xoài, nước ép xoài, xoài sấy,… Tuy nhiên tại Việt Nam, các sản phẩm xoài chế biến còn ít, đa số là dùng để ăn tươi. Trong các mùa thu hoạch, người nông dân thường chịu thiệt thòi khi mất mùa, rớt giá, ảnh hưởng của dịch bệnh,…
 
Xuất phát từ tình hình trên và từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, CESTI tổ chức sự kiện Kết nối ý tưởng “Công nghệ và thiết bị sản xuất xoài sấy dẻo” nhằm kết nối doanh nghiệp với 5 nhà cung ứng công nghệ về sản xuất xoài sấy dẻo và 1 nhà cung ứng giải pháp xử lý nước thải để giúp vận hành nhà máy sản xuất xoài sấy dẻo đi vào hoạt động.
 
Sự kiện Kết nối ý tưởng là mô hình giúp cho doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp với nhiều nhà cung ứng cũng như các chuyên gia để tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho mình. Qua buổi kết nối, nhiều nhà cung ứng và các chuyên gia cũng có thể hợp tác với nhau để cùng giải quyết bài toán công nghệ lớn hơn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Sau buổi kết nối, CESTI sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các bên để có những bàn bạc, đàm phán sâu hơn và đi đến ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ.
 
 
Phần thảo luận, trao đổi giữa doanh nghiệp và các nhà cung ứng tại sự kiện. 
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ thêm, nhận thấy tiềm năng của sản phẩm xoài sấy dẻo, Tonasia đang tập trung phát triển sản phẩm này. Đến với sự kiện Kết nối ý tưởng, Tonasia muốn tìm kiếm giải pháp cho ngành xoài sấy dẻo, từ khâu bắt đầu (xử lý nước sạch đầu vào), công nghệ máy móc chuyên cho sản xuất xoài sấy dẻo, đến đầu ra như xử lý nước thải, rác thải của quá trình sản xuất,…
 
Thông qua sự kiện Kết nối ý tưởng lần này, CESTI đã kết nối doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp với các nhà sản xuất, chế tạo máy trong nước. Đây là mô hình giúp kết nối toàn diện từ đầu vào đến đầu ra, khi doanh nghiệp đang loay hoay trong thời gian dài đi tìm công nghệ (chủ yếu là công nghệ nước ngoài). Sau khi lắng nghe các giải pháp công nghệ tại sự kiện Kết nối ý tưởng, Tonasia quyết định sẽ đầu tư ứng dụng công nghệ của Việt Nam, cũng là hỗ trợ cho các doanh nghiệp trẻ, nổi tiếng ở trong nước. Sau buổi kết nối, Tonasia mong muốn CESTI tiếp tục đồng hành hỗ trợ để có những buổi làm việc trực tiếp, tìm hiểu, thảo luận sâu hơn với từng đơn vị cung ứng công nghệ Việt.
 

(Quý doanh nghiệp quan tâm có thể vào đường link: bit.ly/3iAABwV để tải về tài liệu hội thảo, đặt câu hỏi và thảo luận về công nghệ với các đơn vị đã tham gia sự kiện. Video sự kiện cũng sẽ được đăng tại đây sau khi hoàn tất quá trình biên tập)

 
Lam Vân
Scroll