Kết nối ý tưởng: biến chất thải giết mổ gia cầm thành sản phẩm có giá trị

Áp dụng các giải pháp, công nghệ xử lý, tái chế lông gia cầm không chỉ giúp giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, mang lại thu nhập kinh tế cho doanh nghiệp.
Tại sự kiện kết nối ý tưởng với chủ đề “Công nghệ xử lý, tái chế lông gia cầm” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức ngày 22/6/2022, các doanh nghiệp có nhu cầu công nghệ và các đơn vị cung ứng đã cùng thảo luận, trao đổi các vấn đề cụ thể để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.
 
 
Sự kiện kết nối ý tưởng được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
 
Theo bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI), kết nối ý tưởng là hoạt động kết nối cung cầu nhằm kết nối yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp với các nhà cung ứng công nghệ để giải quyết bài toán công nghệ cho doanh nghiệp. Mỗi chủ đề của sự kiện kết nối ý tưởng đều xuất phát từ yêu cầu thực tế của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất. Trong phiên kết nối lần này, CESTI phối hợp với các nhà cung ứng công nghệ tổ chức sự kiện với chủ đề “Công nghệ xử lý, tái chế lông gia cầm”.
 
Bà Bùi Thanh Bằng cho biết, những năm gần đây, xuất khẩu lông gia cầm gia tăng rất nhanh. Theo số liệu thống kê của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 10 ngàn tấn lông gia cầm, năm 2021 là 21 ngàn tấn, trị giá lần lượt là 40 triệu và 50 triệu USD.
 
Trước đây, lông gia cầm thải ra cũng đã được sử dụng làm phân bón hay thức ăn chăn nuôi gia súc, nhưng việc tận dụng các phế phẩm này chưa nhiều. Mặt khác, để tăng xuất khẩu hoặc chế tạo thành những sản phẩm có giá trị cao hơn, cần phải đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật khác. Muốn vậy, điều kiện tất yếu là phải ứng dụng công nghệ vào việc xử lý, chế biến.
 
Với phiên kết nối ý tưởng về “Công nghệ xử lý, tái chế lông gia cầm”, nhận được yêu cầu của Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Bảo (đến từ Vĩnh Long) muốn nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật xử lý, tái chế lông gia cầm để làm phân bón hữu cơ, CESTI đã kết nối 5 đơn vị, chuyên gia với những công nghệ, giải pháp khác nhau sẵn sàng tư vấn cho doanh nghiệp ngay tại sự kiện.
 
Tại sự kiện, ngoài Công ty Hoàng Gia Bảo, một số doanh nghiệp khác cũng đưa ra các yêu cầu về công nghệ xử lý lông gia cầm, cụ thể như Hệ thống chăn nuôi gà ta thả vườn - Vựa gà Long Khánh; Công ty Thanh Bảo Hân (Tây Ninh); Hợp tác xã Thỏ sạch An Nhơn Tây (Củ Chi).
 
Theo ông Phan Đăng Chánh (CEO Hệ thống chăn nuôi gà ta thả vườn - Vựa gà Long Khánh), hiện tại hệ thống hoạt động theo chuỗi khép kín, số lượng lông gia cầm chủ yếu là thải bỏ và được các đơn vị xử lý rác thải thu gom. Đến với sự kiện này, đơn vị mong muốn tiếp cận các công nghệ, giải pháp xử lý tối ưu các phế phẩm từ việc giết mổ gia cầm, từ đó xử lý triệt để các phụ phẩm, đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường.
 
Ông Bùi Xuân Thành (Phó Giám đốc Công ty Thanh Bảo Hân) cho biết, hiện nay nhà máy giết mổ gia cầm hoạt động với công suất khoảng 7000 - 8000 con/ngày, sản lượng lông ướt khoảng 1,5 tấn mỗi ngày chưa được xử lý. Tiếp cận với sự kiện kết nối ý tưởng, doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm, ứng dụng các công nghệ, giải pháp xử lý để tận dụng nguồn phế phẩm này nhằm cải thiện thêm về điều kiện kinh tế, tránh lãng phí cho doanh nghiệp.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc HTX Thỏ sạch An Nhơn Tây) chia sẻ, hiện HTX phát triển mảng chăn nuôi thỏ bao gồm chăn nuôi và chế biến. Quá trình này phát sinh một số chất thải cần xử lý như phân thỏ hoặc lông thỏ và các phế phẩm khác. Đến với sự kiện kết nối ý tưởng, HTX mong muốn tìm được phương pháp xử lý và tái sử dụng các phế phẩm này thành phân bón hoặc sản phẩm hữu ích khác, từ đó giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
 
Trước các yêu cầu này, các nhà cung ứng đã giới thiệu, đề xuất các giải pháp công nghệ như công nghệ xử lý chất thải giết mổ gia cầm để sản xuất phân hữu cơ sinh học (Đại học Bách khoa Đà Nẵng); công nghệ thủy phân chế biến lông gia cầm (Công ty TNHH A & S Thai Works); giải pháp tái chế chất thải hữu cơ, xử lý lông gia cầm (Công ty CP Công nghệ Nhân Hòa); công nghệ sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời trong chế biến lông vũ (Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS); hệ thống dây chuyền sản xuất bột lông vũ (Công ty TNHH Công nghệ sinh học Thiên Phú).
 
 
TS. Tạ Ngọc Ly (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) trình bày tại sự kiện
 
Trong đó, TS. Tạ Ngọc Ly (Bộ môn Công nghệ sinh học, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) cho biết, nhu cầu về sản phẩm gia cầm ngày càng tăng, kèm theo đó lượng phế phẩm từ quá trình giết mổ là rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm sao để biến chất thải giết mổ gia cầm thành sản phẩm mang lại giá trị gia tăng, và mang lại thu nhập cho các doanh nghiệp. Hiện nay có một số sản phẩm chính từ lông gia cầm như các sản phẩm phân bón, bột lông vũ và một số sản phẩm khác.
 
Từ năm 2015, nhóm nghiên cứu của TS. Tạ Ngọc Ly đã bắt đầu nghiên cứu xử lý lông gia cầm theo hướng sản xuất chế phẩm kích thích sinh trưởng cây trồng từ dịch thủy phân lông gà. Phương pháp áp dụng là thủy phân lông gà bằng hỗn hợp vi sinh vật, thu được dịch thủy phân đã được chứng minh có khả năng kích thích sinh trưởng cây trồng tốt. Năm 2020, nhóm tiếp tục nghiên cứu chế tạo vật liệu hấp phụ dầu từ lông gà; năm 2021 nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ lông gà thải; năm 2022 tiếp tục nghiên cứu sản xuất nhựa sinh học từ lông gà.
 
Về quá trình sản xuất phân hữu cơ sinh học từ lông gia cầm, TS. Ly cho biết, đặc điểm của lông gia cầm thải có hàm lượng Nitơ rất cao, khó phân hủy. Ngoài ra, hỗn hợp lông gia cầm thải chứa phân, tiết, nếu ủ thông thường sẽ sinh ra dòi bọ, nước rỉ, mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất phương pháp ủ phân lông gia cầm theo hướng giảm chi phí, nâng cao chất lượng phân bón, đảm bảo yếu tố an toàn (không có vi sinh vật gây hại), đảm bảo về môi trường.
 
Cụ thể, nhóm đưa ra giải pháp sử dụng hỗn hợp vi sinh hoạt hóa trong sản xuất phân bón từ lông gia cầm và công nghệ ủ trong thùng có kiểm soát. Quá trình nghiên cứu đã chứng minh, hệ sinh vật bao gồm các chủng Streptomyces, Bacillus, Lactobacilus chứa các enzym có khả năng phân hủy lông gia cầm rất mạnh. Hỗn hợp vi sinh vật này khi đưa vào ủ có thời gian phân hủy nhanh, rút ngắn được thời gian ủ; hạn chế mùi hôi; chịu nhiệt độ cao; sinh ra IAA (chất kích thích sinh trưởng thực vật). Phân bón từ quá trình ủ này đã được thử nghiệm cho thấy có chất lượng cao, phù hợp nhiều loại cây trồng, hiệu quả kích thích tăng trưởng rõ rệt. Công nghệ ủ trong thùng có thể sử dụng với đa dạng các loại nguyên liệu, năng suất lớn, thời gian ủ ngắn, ít sinh mùi hôi,…
 
Do đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất có sản lượng lông gia cầm lớn, TS. Ly đề xuất sử dụng công nghệ ủ phân Biovessel và hỗn hợp hoạt hóa vi sinh vật, kết hợp với hệ thống thiết bị. Hỗn hợp hoạt hóa vi sinh vật, cần có hoạt lực phân hủy nhanh, chịu được nhiệt, an toàn đối với cây trồng. Đặc điểm của hệ thống thiết bị cần có đảo trộn cơ học, bơm khí nén, điều hòa độ ẩm. Các thiết bị có thể áp dụng là thiết bị ủ phân điều hòa đảo trộn liên tục nằm ngang, thiết bị ủ phân điều hòa đảo trộn liên tục kiểu đứng.
 
Ông Vũ Đình Thịnh (Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Nhân Hòa) cho biết, đối với yêu cầu ủ lông gia cầm làm phân bón hữu cơ vi sinh, năng suất 20 - 30 tấn/tháng, có thể sử dụng máy ủ phân thông minh. Máy ủ phân thông minh RCM-2000.I hoặc RCM-1000.I có khả năng xử lý 2 tấn nguyên liệu thành phân hữu cơ vi sinh trong thời gian 18 giờ (hoặc 1 tấn với RCM-1000.I). Qui trình sản xuất trên các máy RCM gồm ba bước: chuẩn bị nguyên liệu và chế phẩm vi sinh; thực hiện ủ nguyên liệu trong máy (quá trình ủ được tự động thực hiện cho đến khi hoàn thành); tháo sản phẩm và đóng gói.
 
 
Ông Phan Văn Hiệp (Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS) trình bày tại sự kiện 
 
Tham gia đề xuất giải pháp, công nghệ cho doanh nghiệp, ông Phan Văn Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS) cho rằng, nếu có công nghệ xử lý lông gia cầm phù hợp, không chỉ tiết kiệm được nhiều tiền bạc mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Trên thị trường hiện đang thu mua các sản phẩm lông gia cầm sấy khô, bột lông gia cầm. Với sản lượng lông gia cầm khoảng 1,5 tấn/tháng, doanh nghiệp có thể tận dụng chế biến thành các sản phẩm này, từ đó mang lại thu nhập không dưới 100 triệu đồng mỗi tháng.
 
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp cần chọn lựa được suất đầu tư và chi phí sản xuất thấp nhất. Giải pháp công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời của ITS có thể đáp ứng các yêu cầu này. Cụ thể, hệ thống sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời của ITS có nhiều ưu điểm khi sấy lông gia cầm như tiêu thụ ít điện năng, tiết kiệm năng lượng; gia tăng hiệu quả sấy và độ đồng đều của sản phẩm; tiết kiệm không gian xây dựng nhà xưởng; giảm nhân công lao động trực tiếp; kiểm soát được vi sinh vật có hại trong lông gia cầm, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
 
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đầu tư thêm thiết bị nghiền bột để làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón. ITS cũng sẵn sàng kết nối đầu ra cho các sản phẩm sau sấy như lông gia cầm sấy (giá bán 6.000 đồng/kg), bột lông gia cầm (giá bán 10.000 đồng/kg), giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp.
 
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, chuyển giao công nghệ
 
Thông qua phiên kết nối lần này, chương trình đã ghi nhận một số biên bản ghi nhớ nhằm kết nối thương thảo hợp tác và đi đến chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp và nhà cung ứng. Cụ thể như các biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ xử lý lông gia cầm bằng phương pháp ủ phân hữu cơ sinh học với quy mô 25 – 30 tấn/tháng; chuyển giao máy ủ phân thông minh quy mô 25 – 30 tấn/tháng; chuyển giao dây chuyền sản xuất bột lông vũ; chuyển giao công nghệ ủ phân vi sinh từ lông thỏ và các phế phẩm khác từ thỏ, phân thỏ; chuyển giao công nghệ ủ phân sinh học khoảng 100kg lông vũ mỗi ngày; chuyển giao công nghệ và máy sấy động lông vũ bằng năng lượng mặt trời;…
 
Sau phiên kết nối, các doanh nghiệp khác có nhu cầu sẽ tiếp tục được CESTI hỗ trợ để làm việc trực tiếp với nhà cung ứng, tiếp tục thảo luận, đàm phán để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Lam Vân
Scroll