Kết nối ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình nông trại tuần hoàn

Tại sự kiện kết nối ý tưởng, doanh nghiệp có nhu cầu nhận chuyển giao giải pháp, công nghệ chuyển đổi số phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, quản lý nông sản xuất khẩu được kết nối gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các nhà cung ứng để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Ngày 16/11/2022, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức sự kiện kết nối ý tưởng với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số cho mô hình nông trại tuần hoàn – Farm to Table”.
 
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn (quyền Giám đốc CESTI), “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Trong đó, chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
 
Kết nối ý tưởng là hoạt động nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Tại sự kiện, các nhà cung ứng sẽ giới thiệu những giải pháp công nghệ đáp ứng yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp để tiếp tục thương thảo hợp tác, chuyển giao công nghệ.
 
Với phiên kết nối về “Ứng dụng chuyển đổi số cho mô hình nông trại tuần hoàn – Farm to Table”, CESTI tiếp nhận yêu cầu công nghệ của doanh nghiệp muốn triển khai mô hình nông trại tuần hoàn và hệ thống Farm to Table (nông sản từ trang trại đến người dùng). Để đáp ứng yêu cầu này, CESTI kết nối 7 đơn vị, chuyên gia với những công nghệ, giải pháp sẵn sàng tư vấn cho doanh nghiệp ngay tại sự kiện, qua đó hỗ trợ cho các bên cung – cầu quảng bá công nghệ thiết bị cũng như tìm được giải pháp phù hợp, góp phần tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
 
13HDKHLVKNYTNongtraituanhoanh5.jpg
 
Ông Dương Hùng Sơn (Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Voi Vàng) trình bày về nhu cầu hợp tác, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp
 
Tại sự kiện, ông Dương Hùng Sơn (Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Voi Vàng) chia sẻ các mục tiêu, chiến lược phát triển gắn với sản xuất nông nghiệp sạch. Hiện tại, Voi Vàng đang triển khai mô hình hệ sinh thái VOVA Group tại Đà Lạt (Lâm Đồng) với các sản phẩm chủ lực như hạt macca, chuối Laba cùng nhiều nông sản khác như dâu, cà phê, bơ, dứa, rau củ quả và dược liệu. VOVA đặt mục tiêu thị trường với 60% nông sản xuất khẩu, 30% thị phần trong nước và 10% làm thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh việc cung cấp nông sản sạch, VOVA định hướng phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm tự chữa lành và không gian sống tràn ngập năng lượng thuần khiết từ thiên nhiên. Để đáp ứng các mục tiêu phát triển, VOVA đang có nhu cầu tìm kiếm, kết nối hợp tác ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào nông trại tuần hoàn, quản lý farm như công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), IoT, Drone; ứng dụng các giải pháp phần mềm, nền tảng web, app vào quản lý nông sản xuất khẩu – B2B, hệ thống Farm to Table - B2C;…
 
Các đơn vị cung ứng đã giới thiệu, đề xuất các giải pháp công nghệ như Công ty TNHH SORIMACHI Việt Nam trình bày về “Giải pháp công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp cho các đối tượng từ khu vực tư nhân đến khu vực nhà nước: hợp tác xã, trang trại, các công ty tổ chức liên kết sản xuất, các sở ban ngành…”; Công ty Nông nghiệp số AgriConnect đề xuất “Công nghệ IoT ứng dụng cho nông nghiệp”; Công ty Công nghệ SIGINX giới thiệu “AP - Cloud giải pháp IoT trong nông nghiệp”; Công ty CP SXTMDV Nông nghiệp mới MIAGRI trình bày về “Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và giải pháp phát triển vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu”; Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ Truy xuất nguồn gốc trình bày về “Truy xuất nguồn gốc nông sản và thực phẩm từ Việt Nam”; Công ty TNHH Thương mại Nhơn Mỹ đề xuất “Ứng dụng IoT kết nối thương mại nông nghiệp trực tiếp từ nông dân đến người tiêu dùng”; Viện Quản lý tri thức về công nghệ trình bày về “Các tiêu chuẩn cho nông sản xuất khẩu”.
 
13HDKHLVKNYTNongtraituanhoanh6.jpg
 
Ông Nguyễn Thanh Mộng (Công ty TNHH SORIMACHI Việt Nam), một trong 7 nhà cung ứng công nghệ trình bày tại sự kiện
 
Đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Mộng (Công ty TNHH SORIMACHI Việt Nam) giới thiệu phần mềm kế toán hợp tác xã (WACA) và phần mềm quản lý sản xuất (FaceFarm) do SORIMACHI Việt Nam phát triển và cung cấp. Theo đó, phần mềm WACA được xây dựng dựa trên hệ thống web kế toán nông nghiệp của SORIMACHI Nhật Bản, nhằm giúp các hợp tác xã nông nghiệp minh bạch về tài chính, nâng cao năng lực quản lý tài chính, giảm thiểu chi phí, nắm bắt kịp thời tình hình kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực quản lý của hợp tác xã. Đặc điểm nổi bật của WACA là có hệ thống phần mềm kế toán thống nhất cho HTX nông nghiệp; thực hiện số hóa sổ sách kế toán của HTX, hạn chế sai sót về dữ liệu kế toán của HTX; minh bạch được tình hình tài chính kế toán của HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức kiểm toán kế toán HTX.
 
Phần mềm FaceFarm chuyên về quản lý sản xuất, giúp theo dõi nông trại mọi lúc mọi nơi, chỉ cần có điện thoại hay máy tính kết nối internet, người dùng có thể ghi chép nhật ký sản xuất nhanh chóng mà không cần cài đặt, không lo hư hỏng máy hay mất dữ liệu. Bên cạnh đó, FaceFarm có chức năng quản lý thực địa nơi sản xuất bằng hình ảnh và ứng dụng bản đồ Google Maps, nhờ đó người dùng có thể dễ dàng đánh giá nông trại một cách trực quan, chính xác. Các tính năng chính của FaceFarm gồm ghi chép nhật ký sản xuất, lập kế hoạch sản xuất rõ ràng, chi tiết; truy xuất nhật ký sản xuất nhanh chóng, dễ dàng; tạo mã QR cho sản phẩm; quản lý quá trình sản xuất bằng Google Map; tích lũy và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất; kiểm tra việc sử dụng nông sản;...
Hiện tại, hệ thống phần mềm WACA và FaceFarm đã được SORIMACHI Việt Nam đưa vào áp dụng cho hơn 18.000 HTX nông nghiệp tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc, giúp các đơn vị cùng liên kết sản xuất, số hoá các vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tự động hóa quy trình sản xuất, xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản thông qua thương hiệu,…
  
Trình bày về “Công nghệ IoT ứng dụng cho nông nghiệp”, ông Phạm Văn Bình (Giám đốc Công ty Nông nghiệp số AgriConnect) đề xuất, để ứng dụng chuyển đổi số cho mô hình nông trại tuần hoàn - Farm to Table, có thể ứng dụng công nghệ IoT thông qua việc thiết kế hệ thống tưới bằng IoT (tưới phun mưa, nhỏ giọt, tưới gốc,...), ứng dụng IoT trong chăn nuôi (bò, heo, gà,…). Bên cạnh đó, trong nông trại tuần hoàn nên áp dụng thêm sản phẩm nuôi trùn quế, bởi sản phẩm này sẽ giúp giải quyết vấn đề chất thải (phân) của gia súc gia cầm; đồng thời chú trọng phương pháp ủ phân, xử lý rác thải chăn nuôi bằng công nghệ vi sinh, enzyme,…
 
13HDKHLVKNYTNongtraituanhoanh3.jpg
 
GS.TS. Nguyễn Phục Nghiệp (Viện trưởng - Viện Quản lý tri thức về công nghệ) trình bày tại sự kiện
 
Trình bày về “Các tiêu chuẩn cho nông sản xuất khẩu”, GS.TS. Nguyễn Phục Nghiệp (Viện trưởng - Viện Quản lý tri thức về công nghệ) cho biết, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam đạt 41,25 tỷ USD; năm 2021 vượt 48,6 tỷ USD, 10 tháng năm 2022 đạt gần 45 tỷ USD. Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu về các khu mậu dịch tự do (FTA) để thấu hiểu các lợi thế cũng như rủi ro khi tương tác trong các thị trường đối tác. Đặc biệt, cần chú ý tìm hiểu các ưu đãi về thuế, các yêu cầu, tiêu chuẩn cũng như quy tắc, luật lệ của các sân chơi này.
 
Trong đó, ngành nông nghiệp phần lớn cần quan tâm đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phổ biến như ISO 22000:2018, HACCP, BRC, ISO 14001, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ (Organic Products), GlobalGAP, Halal Food,… Đối với nông sản xuất khẩu, cần quan tâm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Organic, Halal,… Phổ biến nhất là GlobalGAP (Global Good Agricultural Practice), đây là tiêu chuẩn quốc tế về thực hành nông nghiệp tốt. GlobalGAP áp dụng trong cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, phổ biến tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tiêu chuẩn GlobalGAP bao gồm các tiêu chuẩn trong toàn bộ quá trình sản xuất ra sản phẩm, từ đầu vào trang trại là thức ăn, giống, thuốc chữa bệnh và các hoạt động nuôi trồng cho đến khi ra thành phẩm và xuất bán ra thị trường. Đây cũng là tiêu chuẩn để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn cầu.
 
GS. TS. Nguyễn Phục Nghiệp cho biết thêm, khi thực hành GlobalGAP cần lưu ý một số vấn đề như phải làm sạch nguồn đất, đảm bảo độ an toàn của nguồn nước; nguồn gốc của giống cây trồng phải được chọn lựa kỹ càng đảm bảo sạch bệnh. Ngoài ra, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng được quy định rất khắt khe trong tiêu chuẩn này, đa số đều có nguồn gốc hữu cơ, an toàn cho người sử dụng và không gây hại cho môi trường. Về truy xuất nguồn gốc, người trồng phải ghi chép toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu chọn giống, trồng đến khi thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Việc này nhằm đảm bảo truy lại được nguồn gốc khi cần thiết, phòng ngừa sự cố về an toàn thực phảm xảy ra.
 
13HDKHLVKNYTNongtraituanhoanh1.jpg
 
Sự kiện kết nối ý tưởng được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Google Meet
 
Thông qua các phần trình bày và trao đổi, thảo luận tại sự kiện kết nối ý tưởng, chương trình đã ghi nhận một số biên bản ghi nhớ nhằm kết nối thương thảo hợp tác và đi đến chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp và nhà cung ứng. Cụ thể như các biên bản ghi nhớ chuyển giao phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản; biên bản ghi nhớ chuyển giao hệ thống IoT ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp; biên bản ghi nhớ chuyển giao phần mềm kế toán cho hợp tác xã và giải pháp quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc cho nông dân; biên bản ghi nhớ nhằm triển khai áp dụng các tiêu chuẩn cho nông sản xuất khẩu;…
 
Ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ, với việc tổ chức sự kiện kết nối ý tưởng, CESTI mong muốn kết nối các đơn vị, doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, từ đó có thể tìm kiếm được các giải pháp công nghệ phù hợp với tình hình sản xuất, giúp nâng cao năng lực công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Sau phiên kết nối này, các đơn vị có nhu cầu sẽ tiếp tục được CESTI hỗ trợ để làm việc trực tiếp với nhà cung ứng, tiếp tục thảo luận, đàm phán để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Lam Vân (CESTI)
Scroll