Kết nối doanh nghiệp xây dựng thành phố thông minh

Sự kiện nhằm tìm hướng kết nối các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, để sớm áp dụng các giải pháp, công nghệ cụ thể trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Ngày 10/3, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội Tin học TP.HCM và Công ty Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp tổ chức buổi gặp gỡ ngành công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT – VT) năm 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp CNTT – VT xây dựng thành phố thông minh, hiện đại”. Sự kiện nhằm tìm hướng kết nối các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, để sớm áp dụng các giải pháp, công nghệ cụ thể trong việc xây dựng đô thị thông minh.

Gặp gỡ ngành CNTT – VT năm 2017 có sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ bộ, ngành trung ương và địa phương, các sở ban ngành, quận huyện tại TP.HCM và các doanh nghiệp. Nét mới của buổi gặp gỡ năm nay là khu trưng bày với hơn 10 gian hàng trưng bày giới thiệu các giải pháp, dịch vụ công nghệ xây dựng thành phố thông minh của các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Đại biểu tham dự đã trực tiếp tìm hiểu mô hình hệ thống, ứng dụng để tìm kiếm giải pháp phù hợp.
 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến và các đại biểu tham quan các gian hàng giải pháp công nghệ của doanh nghiệp. Ảnh: LV.
 
Tại sự kiện, các doanh nghiệp đã trực tiếp trao đổi, trình bày một số giải pháp về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, áp dụng mô hình thành phố thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh; giải pháp về kiểm soát, quản lý công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế,…

Cụ thể, ông Nhữ Mạnh Hùng (Giám đốc Công ty công nghệ FSI) đề xuất giải pháp số hóa cơ sở dữ liệu từ hồ sơ giấy thành hồ sơ điện tử bằng công nghệ OCA. Công nghệ này giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp có thể lưu trữ dữ liệu về dân cư, hộ tịch hộ khẩu, thông tin doanh nghiệp,… hoàn toàn trên máy tính. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử là một công cụ rất tốt để triển khai chính quyền điện tử và xây dựng thành phố thông minh.

Theo ông Trần Thanh Tùng (đại diện Công ty Nhã Hằng), hiện nay trên các loại xe cơ giới đều được trang bị hộp đen để giám sát hành trình. Do vậy, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng một ứng dụng kết nối với các cơ quan nhà nước để quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình vận chuyển của xe ô tô.

Ông Phí Anh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn CNTT P.A.T) trình bày giải pháp quản lý việc thu gom rác thải theo định hướng ứng dụng công nghệ, xây dựng thành phố thông minh. Hiện nay, việc quản lý quá trình thu gom rác như quản lý đối tượng thải rác, quản lý người thu gom rác, quản lý hành trình xe chở rác,… đang làm thủ công, tốn nhiều công sức. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý thu gom rác sẽ giúp tập hợp số liệu về quá trình thu gom rác thải, từ đó phân tích, đưa ra giải pháp thích hợp nhằm tối ưu quy trình thu gom rác thải.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), sắp tới sẽ có nhiều ứng dụng công nghệ cung cấp cho Đề án xây dựng thành phố thông minh. Vì thế, thành phố nên thiết lập kênh tiếp nhận các ứng dụng, giải pháp công nghệ…, giúp các doanh nghiệp có đầu mối liên hệ, tạo sự thuận lợi cho việc trao đổi thông tin, trình bày giải pháp. Ngoài ra, phải liên kết được các doanh nghiệp (thị trường) với chính quyền và khu vực trường học. Thành phố cần tạo điều kiện để doanh nghiệp bước vào thị trường công, thiết kế cơ chế thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
 
Tại buổi gặp gỡ, các đơn vị liên quan đã ký kết hợp tác nhằm phối hợp triển khai các hoạt động thúc đẩy ứng dụng CNTT, giúp doanh nghiệp tiếp cận các chương trình của thành phố và tham gia xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: LV.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó chủ tịch UBND TP.HCM), với việc xây dựng Đề án đô thị thông minh, thành phố muốn áp dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề cụ thể như hạ tầng giao thông, chống ngập, xử lý rác thải, môi trường đô thị,... Thành phố sẵn sàng đặt hàng và mong muốn có sự hợp tác, cung cấp các giải pháp thiết thực từ phía các doanh nghiệp ngành CNTT – VT, nhất là của các doanh nghiệp Việt Nam về các giải pháp kỹ thuật như xây dựng trung tâm dữ liệu nguồn mở, xây dựng trung tâm an ninh mạng,…
 
TP.HCM đã xác định một trong những nội dung trọng tâm của xây dựng đô thị thông minh là cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử. Năm 2017, chính quyền Thành phố định hướng thúc đẩy xã hội hóa nhiều chương trình ứng dụng CNTT, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp “đặt hàng” các vấn đề của Thành phố với doanh nghiệp, tập trung các lĩnh vực ưu tiên gắn với xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp và các vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh xã hội; tham gia tạo hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; chung tay tạo ra cộng đồng CNTT mạnh có thể cung cấp các sản phẩm và dịch vụ CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển của TP.HCM cũng như nhu cầu của thị trường thế giới.
 
Được biết, trong tháng 4/2017, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sẽ tổ chức một hội chợ kết nối các đơn vị có nhu cầu đặt hàng các ứng dụng công nghệ với doanh nghiệp CNTT - VT. Các doanh nghiệp sẽ mở gian hàng, giới thiệu và trình bày giải pháp của mình cho đại diện các quận huyện, sở ngành.
Lam Vân
Scroll