Kết nối chuyển giao quy trình ứng dụng hoạt chất saponin trong sản xuất mỹ phẩm

Quy trình đã sẵn sàng chuyển giao để áp dụng sản xuất ở quy mô lớn, saponin tinh chế có độ ổn định, độ tinh khiết cao và đặc biệt có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, chống nấm trong sản xuất mỹ phẩm.
Ngày 24/11/2022, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đào tạo và Phát triển Công nghệ Hóa dược tổ chức sự kiện hợp tác công nghệ với chủ đề “Quy trình ứng dụng hoạt chất Saponin giúp chống nấm, kháng viêm và kháng khuẩn trong sản xuất mỹ phẩm”. Xem video công nghệ tại đây.
 
Theo bà Đặng Thị Luận (Phó Giám đốc CESTI), sự kiện hợp tác công nghệ được tổ chức định kỳ hàng tháng tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM nhằm hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ với các doanh nghiệp sản xuất; hỗ trợ các bên tìm kiếm cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ.
 
Saponin là một chất hoạt động bề mặt không ion có nguồn gốc từ tự nhiên, dễ phân hủy sinh học, có đặc tính tạo bọt giống như xà phòng. Đặc biệt, với các đặc tính chống nấm, kháng khuẩn và kháng viêm, saponin đang được thương mại trên thị trường thế giới, giá thành dao động từ 20 - 100 USD/kg tùy vào độ tinh khiết. Ở nước ta, saponin từ các dược liệu như trái bồ kết hoặc bồ hòn có thể thay thế 100% chất tẩy rửa hóa học trong gia đình. Các sản phẩm được điều chế từ saponin giúp tăng hiệu quả tẩy rửa, thời gian bảo quản lâu hơn, không gây kích ứng và an toàn cho mọi loại da.
 
Trên cơ sở khảo sát nhu cầu doanh nghiệp, trong phiên kết nối lần này, sự kiện giới thiệu quy trình ứng dụng hoạt chất saponin giúp chống nấm, kháng viêm và kháng khuẩn trong sản xuất mỹ phẩm. Quy trình do nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Phát triển Công nghệ Hóa dược nghiên cứu nhằm ứng dụng công nghệ kết hợp các hợp chất tự nhiên trong sản xuất dược mỹ phẩm.
Cũng theo bà Luận, để thực hiện buổi kết nối, ban tổ chức đã tiến hành khảo sát rộng rãi trong cộng đồng nhằm tìm kiếm các đơn vị có nhu cầu về công nghệ. Tại thời điểm diễn ra, sự kiện hợp tác công nghệ nhận được đăng ký kết nối của 3 đơn vị bên cầu muốn tìm hiểu công nghệ, kết nối với nhà cung ứng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị tham dự phiên kết nối rất quan tâm tìm hiểu thông tin về công nghệ với mong muốn có thể đi đến hợp tác phát triển sản phẩm hoặc áp dụng tại đơn vị.
 
03HDKHLVHTCNsaponinh4.jpg
Sự kiện hợp tác công nghệ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Google meet
 
Giới thiệu về công nghệ tại sự kiện, TS. Lưu Xuân Cường (Viện trưởng, Viện Đào tạo và Phát triển Công nghệ Hoá dược) cho biết, thực tiễn hiện nay, việc sử dụng các thành phần, hợp chất tự nhiên (như saponin) đã trở thành xu hướng, đây là nguồn nguyên liệu cho các dòng dược mỹ phẩm cao cấp, an toàn. Bên cạnh đó, các thành phần, hợp chất này tuy đã được sử dụng từ lâu nhưng vẫn chưa có nghiên cứu bài bản để cho ra nguồn nguyên liệu đúng chuẩn (tiêu chuẩn cụ thể có thể sánh với các tiêu chuẩn quốc tế) cũng như chuẩn hóa nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
 
Theo TS. Cường, saponin là một hợp chất có hoạt tính chống nấm vô cùng tiềm năng, một loạt nghiên cứu về khả năng chống lại rất nhiều loại nấm của saponin đã được đề cập bởi Lacaille và Wagner trong tạp chí Phytomedicine vào năm 1996. Trong thí nghiệm in vivo trên gà, saponin cũng thể hiện khả năng kháng vi sinh vật mạnh mẽ đối với 6 chủng vi sinh vật bị cho phơi nhiễm. Về hoạt tính kháng viêm, tình trạng viêm da và tóc dẫn đến các bệnh về da, hình thành tàn nhang, nếp nhăn hay rụng tóc có thể được điều trị hoặc hạn chế nhờ sử dụng các sản phẩm chứa các hợp chất tự nhiên có hoạt tính chống viêm, trong đó saponin là hợp chất cho thấy khả năng kháng viêm nổi trội.
 
Ngoài ra, Việt Nam có nguồn trái bồ kết, bồ hòn khá lớn và thị trường mỹ phẩm đầy tiềm năng. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để phát triển, ứng dụng rộng rãi saponin trong các sản phẩm dược, mỹ phẩm (dầu gội, sữa tắm, chất tẩy rửa, dược liệu,…).
 
Tuy nhiên, saponin còn gặp phải một số hạn chế như hàm lượng tinh bột trong saponin còn cao, hàm lượng saponin trích ly còn thấp, khả năng làm sạch, khả năng kháng khuẩn, vi sinh cũng như khả năng tạo bọt kém, màu sắc chưa đẹp và thời gian bảo quản ngắn. Trong nghiên cứu ứng dụng hoạt chất saponin, độ tinh khiết cao của saponin sẽ quyết định khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, chống nấm, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của sản phẩm mỹ phẩm cuối cùng.
 
Với việc nghiên cứu công nghệ sản xuất saponin có độ tinh thiết cao từ bồ hòn và bồ kết, nhóm tác giả thực hiện trích ly thu saponin thô bằng dung môi, sau đó tinh chế hỗn hợp thô để thu được saponin có độ tinh khiết cao. Trong đó, đối với hợp chất saponin thô từ bồ hòn, nhóm sử dụng phương pháp lên men bằng nấm men để loại mùi chua và gắt ở dịch chiết bồ hòn, giúp dịch chiết trong hơn (tăng độ tinh cho mẫu dịch), có mùi thơm nhẹ dễ chịu hơn, dễ dàng sử dụng để pha chế vào dược phẩm, mỹ phẩm. Dịch chiết bồ hòn có pH thấp, ức chế sự phát triển của nhiều vi sinh vật. Đối với dung dịch thô saponin từ bồ kết, nhóm dùng dung môi ethanol để kết tủa lượng đường và tinh bột có trong dịch trích thô, thu cao, cô quay bằng cồn 70º, từ đó thu được cao bồ kết thành phẩm.
 
03HDKHLVHTCNsaponinh2.jpg
Phần trao đổi, thảo luận các nhu cầu hợp tác, ứng dụng công nghệ tại sự kiện
 
TS. Cường cho biết thêm, saponin trích ly, tinh chế bằng phương pháp trên có độ tinh khiết cao (> 70%), có thể ứng dụng để sản xuất dầu gội đầu bồ kết, sữa tắm gội trẻ em hoặc các sản phẩm dược mỹ phẩm khác. Hiện tại, quy trình công nghệ trích ly, tinh chế saponin đạt độ tinh khiết cao đã sẵn sàng chuyển giao vào thực tiễn cho những đơn vị có nhu cầu. Đồng thời, nhóm mong muốn hợp tác sản xuất saponin tinh chế quy mô công nghiệp cũng như phân phối các sản phẩm dược mỹ phẩm có sử dụng saponin tinh chế.
 
03HDKHLVHTCNsaponinh3.jpg
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa đại diện nhóm nghiên cứu và các công ty
 
Tại sự kiện hợp tác công nghệ, các ý kiến trao đổi cho rằng, hoạt chất saponin với khả năng kháng nấm, kháng viêm hiện rất được các doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghệ sinh học, thực phẩm. Việc sử dụng saponin tinh chế như một thành phần tự nhiên thay thế giúp doanh nghiệp bớt sử dụng các thành phần bảo quản hóa học, tạo ra những sản phẩm xanh sạch, thuyết phục được người tiêu dùng. Do đó, cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, sự ổn định của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Thông qua sự kiện hợp tác công nghệ, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã cùng tìm hiểu, trao đổi, thảo luận về nhu cầu hợp tác, ứng dụng công nghệ trích ly, tinh chế saponin. Qua đó
chương trình ghi nhận một số biên bản ghi nhớ tư vấn, hợp tác, chuyển giao quy trình giữa nhóm nghiên cứu với các đơn vị có nhu cầu hợp tác, ứng dụng công nghệ như Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh, Công ty TNHH D&H Retek USA, Công ty TNHH Mediworld,…
Lam Vân (CESTI)
Scroll