Kết nối chuyên gia: tư vấn công nghệ nuôi cấy vi tảo hai lớp màng

Hệ thống vận hành tự động, tiết kiệm nước và năng lượng, việc thu hoạch cũng rất dễ dàng, ít tốn kém.
Vi tảo biển là nguồn thức ăn tươi sống đặc biệt quan trọng, giàu dinh dưỡng cho nhiều loài thủy hải sản (nhuyễn thể hai mảnh vỏ, các giai đoạn ấu trùng của hầu hết các loài tôm, cá biển và cho các động vật phù du…). Trong đó, tốc độ phát triển và tỷ lệ sống của ấu trùng có liên quan mật thiết với chất lượng vi tảo đã sử dụng. Bên cạnh đó, vi tảo biển còn là nguyên liệu tiềm năng để khai thác các chất có hoạt tính sinh học cao cho con người. Điển hình là chủng vi tảo Nannochlocropsis oculata đang được quan tâm, nghiên cứu ngày càng nhiều nhờ khả năng tổng hợp lipid trung tính trong sản xuất nhiên liệu sinh học, EPA (Eicosapentaenoic acid) trong thực phẩm chức năng, cùng một số sắc tố tự nhiên. Nannochlocropsis oculata cũng được dùng để sản xuất giống cá biển và nhuyễn thể ngày càng nhiều, do kích thước nhỏ và giá trị dinh dưỡng cao.
 
Tuy nhiên, năng suất sinh khối tảo cũng như thành phần sinh hóa và hàm lượng các hợp chất có hoạt tính sinh học quý của chúng đều thay đổi dưới các điều kiện nuôi trồng khác nhau như môi trường dinh dưỡng, nhiệt độ, ánh sáng, giới hạn dinh dưỡng, pha sinh trưởng và đặc điểm của chủng tảo nuôi cấy. Kỹ thuật nuôi vi tảo bằng phương pháp truyền thống phụ thuộc vào điều kiện môi trường và khí hậu có nhược điểm là quy trình nuôi và chất lượng tảo chưa ổn định, tốn nhân công lao động, làm ảnh hưởng lớn quy mô cơ sở sản xuất giống, chất lượng và giá thành con giống.
 
Một doanh nghiệp cung cấp giống thủy hải sản đang gặp vấn đề về khả năng đáp ứng đủ số lượng, đúng chất lượng cho giai đoạn ấu trùng nuôi (cần tảo tươi) đã liên hệ với chuyên gia tư vấn tại Techmart Công nghệ sinh học trực tuyến 2021.
 
 
 
Theo chuyên gia tư vấn, phương thức nuôi trồng Nannochlocropsis oculata phổ biến nhất trong các trại cá biển và các trại sản xuất giống các loài giáp xác đó là nuôi giống trong các phòng thí nghiệm qua một loạt các bước từ nuôi trên thạch cho đến nuôi dịch treo trong bình, sau đó nuôi trồng quy mô lớn sẽ được thực hiện ngoài trời. Tuy nhiên, có nhiều hạn chế và thách thức trong sản xuất quy mô lớn của Nannochlocropsis oculata ở giai đoạn đầu (giai đoạn phòng thí nghiệm) do yêu cầu của kỹ thuật nuôi cấy cụ thể và thường liên quan đến chi phí sản xuất cao. Năng suất sinh khối trong các hệ thống mở tương đối thấp do sự khác biệt trong việc phân phối ánh sáng và carbon dioxide một cách hiệu quả vì tỷ lệ bề mặt trên tổng thể tích dịch nuôi thấp. Mặt khác, quá trình nuôi không ổn định, rủi ro do bị nhiễm bẩn và tàn lụi đột ngột.
 
Vì vậy, chuyên gia đã tư vấn cho doanh nghiệp công nghệ nuôi cấy vi tảo hai lớp màng đang được Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) hỗ trợ kết nối và chuyển giao. Đây là công nghệ nuôi mới ứng dụng mô hình nuôi cấy tế bào tảo cố định (twin–layer porous substrate photobioreactor – TPSPB, do GS. Michael Melkonian ở Đại học Cologne (Đức) phát minh), được PGS.TS. Trần Hoàng Dũng (Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ - IRT, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) và cộng sự ở Đại học Nguyễn Tất Thành nghiên cứu cải tiến phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Công nghệ nuôi mới này cho phép đơn giản hóa quy trình sản xuất, khắc phục những nhược điểm của mô hình nuôi cấy dịch treo tảo, lại có ưu điểm là tiết kiệm nước và năng lượng tốt hơn, đồng thời việc thu hoạch cũng rất dễ dàng, ít tốn kém.
 
Sau khi được chuyên gia tư vấn chi tiết và Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM kết nối, doanh nghiệp đồng ý nhận chuyển giao toàn bộ công nghệ nuôi cấy vi tảo hai lớp màng do PGS. TS. Trần Hoàng Dũng cung ứng theo hình thức trọn gói. Bên cung ứng sẽ tiến hành tư vấn và thiết kế hệ thống theo đặc thù quy mô của doanh nghiệp, tư vấn chọn lọc chủng vi tảo thích hợp, đào tạo nhân viên kỹ thuật vận hành hệ thống, hỗ trợ công tác thu hoạch, phân tích sản phẩm sinh khối vi tảo, bảo quản vi tảo và chế biến sản phẩm phù hợp mục đích sử dụng. Ước tính thời gian chuyển giao công nghệ hoàn tất sau 12 tháng, đảm bảo điều kiện để doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ và vận hành vào sản xuất ổn định.
 
PGS.TS. Trần Hoàng Dũng cho biết, mô hình TPSPB được cải tiến dạng phương nghiêng để phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Các thiết bị, máy móc sử dụng trong hợp đồng chuyển giao công nghệ khá đơn giản, không phức tạp, gồm có: (1) buồng nuôi (chamber) bằng mica 5mm trong suốt; (2) hệ thống cung cấp, dẫn truyền môi trường dinh dưỡng; (3) hệ thống bơm và dẫn khí; (4) hệ thống khung thép (giá đỡ); (5) hệ thống đèn chiếu sáng bật tắt tự động (đèn Natri cao áp 250-400W, đèn huỳnh quang, đèn LED); (6) hai lớp màng (cố định vi tảo và cung cấp dưỡng chất). Một module quang sinh học nhỏ có diện tích 1,2m2, gồm 6 buồng nuôi, dễ dàng kết nối và mở rộng quy mô sản xuất. Tỷ lệ nuôi sống tảo bằng hệ thống nuôi cấy vi tảo hai lớp màng đạt 90% trở lên, có thể nuôi sống hầu hết các loại tảo hiện có.
Hoàng Kim
Scroll