Hội chợ Giống và Nông nghiệp CNC 2019: Hệ thống xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm nước lợ

Diễn ra từ 15 - 19/8/2019 với quy mô 350 gian hàng, Hội chợ - Triển lãm Giống và Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM năm 2019 hàng trăm công nghệ, thiết bị tiên tiến. MỘt trong số đó là hệ thống xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm nước lợ.
Với hơn 750.000 ha nuôi tôm nước lợ, Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích nuôi tôm lớn trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất lợi về thời tiết, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn, mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm (nhiều thông số môi trường tại các điểm quan trắc đầu nguồn nước cấp đều vượt ngưỡng cho phép) làm cho dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng, vi bào tử trùng…phát triển, gây chết tôm nuôi, giảm sản lượng tôm thu hoạch và gây thiệt hại cho người nuôi.
 
Hiện nay, các quy trình xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm nước lợ đa số sử dụng hóa chất trong quá trình xử lý. Điều đó dẫn đến tốn nhiều thời gian xử lý và ảnh hưởng xấu đến môi trường do lượng hóa chất tồn dư. Vì thế cần phải có giải pháp phù hợp xử lý môi trường nước cấp để không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường ao nuôi cũng như tình trạng dịch bệnh lây lan, giúp ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững.
 
Để đảm bảo chất lượng nước theo yêu cầu để cấp vào ao nuôi, hệ thống xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm nước lợ (do Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ CENINTEC lắp đặt) có khả năng xử lý nước bên ngoài hệ thống (từ ao trữ nước) qua các khâu lọc, diệt khuẩn, cung cấp thêm khoáng chất để đảm bảo chất lượng nước trước khi cấp vào ao nuôi.
 

Mô hình hệ thống xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm nước lợ

Hệ thống xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm nước lợ bao gồm:
1. Thiết bị lọc cơ học: lọc và tách các chất rắn lơ lửng trong nước đầu vào.
2. Bể chứa nước: trữ nước.
3. Hệ thống giám sát chất lượng nước: có chức năng giám sát các thông số pH và độ kiềm của nước đầu vào.
4. Phần mềm quản lý trang trại: ghi nhận dữ liệu chất lượng nước từ hệ thống giám sát, phân tích, tính toán và chuyển thông số để bộ điều khiển sẽ vận hành thiết bị cấp chất trợ tương ứng.
5. Bộ điều khiển: điều khiển hoạt động của thiết bị cấp chất trợ tương ứng với thông số điều khiển từ phần mềm quản lý trang trại chuyển về.
6. Thiết bị chấp hành: cấp chất trợ vào bể chứa nước để đảm bảo chất lượng nước trước khi cấp vào ao nuôi.
7. Bơm đẩy khí: cấp nước từ bể chứa nước sang ao nuôi giúp tiết kiệm năng lượng so với các loại bơm khác.
8. Máy thổi khí: cấp khí cho bơm đẩy khí hoạt động
9. Hệ thống diệt khuẩn kết hợp UV – Điện từ trường – Ozone: diệt khuẩn nước trước khi cấp vào ao nuôi.
 
Quy trình xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm bao gồm các công đoạn như sau:
1. Lọc cơ học:
Quá trình lọc cơ học có chức năng lọc và tách chất rắn có kích thước > 37 μm khỏi nguồn nước, hoạt động theo nguyên lý lọc trống sử dụng lưới lọc. Khi nước được cấp vào trống lọc, chất thải rắn có kích thước lớn hơn kích thước khe lọc được giữ lại trên mặt lưới, nước đã lọc chảy ra ngoài dưới lưới lọc nhờ tác dụng của trọng lực. Trống lọc xoay liên tục để đưa chất thải đã lọc lên vị trí rửa. Chất thải sau đó được rửa sạch khỏi lưới lọc bằng vòi xịt cao áp rồi chảy ra ngoài theo máng dẫn.
 
Quá trình lọc cơ học giúp giảm số lượng ao lắng từ 3 xuống còn 1 (chỉ sử dụng 1 ao để dự trữ nước) giúp tiết kiệm 30% - 40% diện tích đất sử dụng so với phương pháp lắng trong các ao cổ điển, đồng thời giảm lượng hóa chất sử dụng để diệt các trứng cá, cá con lẫn trong nước bơm vào (trong ngành thủy sản gọi là diệt tạp), giúp giảm chi phí sản xuất cũng như ít gây tác động xấu đến môi trường.
 

Thiết bị lọc cơ học

2. Chứa nước:
Quá trình này đảm bảo nước cung cấp đủ cho nhu cầu nước của các ao nuôi, tùy thuộc vào diện tích mỗi ao nuôi sẽ thiết kế thể tích bể chứa nước tương ứng.
 
3. Cấp các chất trợ:
Quá trình này bao gồm cấp vôi để nâng giá trị pH/ cấp soda để nâng độ kiềm của nước. Các quá trình này được điều khiển số dựa trên kết quả giám sát các giá trị pH và độ kiềm. Theo đó, giá trị pH và độ kiềm được cập nhật vào phần mềm quản lý trang trại, từ đó sẽ tự động tính toán giá trị các khoáng chất và chuyển dữ liệu sang bộ điều khiển để điều khiển tắt/mở các thiết bị chấp hành theo thời gian định mức.
 
4. Diệt khuẩn:
Quá trình diệt khuẩn nhằm loại bỏ vi khuẩn và virus trong nước trước khi cấp vào ao nuôi. Quá trình diệt khuẩn bằng hệ thống kết hợp UV – Điện từ trường – Ozone đạt hiệu quả, kinh tế và an toàn sinh học cao hơn so với các phương pháp diệt khuẩn khác.
 

Hệ thống diệt khuẩn kết hợp

5. Cấp nước vào ao nuôi:
Nước từ bể chứa nước sẽ được cấp liên tục thông qua bơm đẩy khí và qua thiết bị diệt khuẩn bằng hệ thống diệt khuẩn kết hợp UV – Điện từ trường - Ozone rồi vào ao nuôi. Quá trình cấp nước này được thực hiện bằng bơm đẩy khí giúp tiết kiệm hơn 40% chi phí điện năng so với các loại bơm khác.
 
Nước sau khi xử lý theo quy trình trên có mật độ vi khuẩn tổng cộng khoảng 27 CFU/ml, và mật độ vi khuẩn vibrio là 0 CFU/ml. 
Hệ thống xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm nước lợ đã được CENINTEC triển khai ở một số ao nuôi tôm tại huyện Cần Giờ (TP.HCM). Thực tế cho thấy đây là giải pháp hữu ích giúp giảm chi phí và thời gian xử lý nước, có khả năng cấp nước liên tục, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an toàn sinh học và môi trường.
 
Thông tin chi tiết về sự kiện xin vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Phòng Thông tin Công nghệ
79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM
ĐT: (028) 3822 1635 – 3825 0602 – Fax: (028) 3829 1957
DĐ: 0988 759 696 (gặp anh Nguyên)
Email: trungnguyen@cesti.gov.vn
Kim Hoàn
Scroll