DN ghi nhận nỗ lực thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ của Sở KH&CN TP.HCM

“Các anh em ở Cục Sở hữu trí tuệ và Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ người đăng ký rất nhiều. Có khó là do các tác giả, chủ đơn chưa hiểu nên làm sai dẫn đến mất nhiều thời gian”.

Đó là ý kiến của ông Thân Thế Hào - công ty TNHH Ninh Phong đưa ra tại buổi tập huấn “Hướng dẫn soạn thảo đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực Điện - Điện tử" do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức ngày 12.4. Điều này phần nào cho thấy hiệu quả từ những hoạt động hỗ trợ nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ mà Sở KH&CN TP.HCM đã tích cực triển khai trong thời gian qua.

Ngoài các doanh nghiệp, đại diện của các cơ quan, đơn vị từ các tỉnh thành khác trong khu vực cũng tới tham dự buổi tập huấn.

DN ghi nhận nỗ lực thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ của Sở KH&CN TP.HCM - 1

Những buổi tập huấn về sở hữu trí tuệ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức luôn thu hút được lượng lớn người tham gia

Theo thống kê, ước tính nền kinh tế số dựa trên các đổi mới liên quan đến phần mềm đang đóng góp trên 22,5% trong nền kinh tế toàn cầu. Số tiền đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực phần mềm cũng tăng nhanh chóng từ 86 tỷ USD năm 2010 lên 142 tỷ USD năm 2015.

Tuy nhiên, việc đăng ký và bảo hộ với các sáng chế được thực hiện bởi phần mềm lại tương đối phức tạp do phải cân nhắc giữa các dấu hiệu kỹ thuật và phi kỹ thuật, mục đích sử dụng cá nhân hay thương mại… Chính vì thế, vấn đề này được Sở KH&CN TP.HCM chọn làm nội dung chính của buổi tập huấn.

Theo ông Phạm Văn Kiện thuộc phòng Sáng chế số 1, Cục Sở hữu trí tuệ, các tác giả sáng chế nên đăng ký đối tượng được bảo hộ ở dạng giải pháp kỹ thuật. Nếu các giải pháp đó không thuộc các trường hợp quy định tại điều 8 và điều 59 của Luật Sở hữu trí tuệ thì khả năng được chấp nhận sẽ tương đối cao.

DN ghi nhận nỗ lực thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ của Sở KH&CN TP.HCM - 2

Theo ông Phạm Văn Kiện, viết mô tả sáng chế một cách hợp lý sẽ giúp tăng cao khả năng đơn đăng ký sáng chế được chấp nhận

Ngoài ra, các chủ đơn cũng cần làm rõ các hiệu quả kỹ thuật khác ngoài hiệu quả kỹ thuật vốn có của sáng chế, bởi đây là yếu tố quan trọng để xem xét chấp nhận đăng ký. Những hiệu quả kỹ thuật khác có thể là tăng tốc độ truyền thông hoặc mã hóa truyền dữ liệu an toàn…

Các nội dung khác về đăng ký sáng chế trong lĩnh vực Điện - Điện tử cũng được diễn giả tại buổi tập huấn minh họa, giải thích bằng các ví dụ cụ thể để học viên dễ dàng nắm bắt.

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Thân Thế Hào đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều sự trợ giúp hơn nữa.

“Nếu Sở có thể hỗ trợ một phần kinh phí xác lập quyền, nhất là xác lập quyền quốc tế thì rất tốt cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu có cơ chế hỗ trợ kinh phí nộp đơn trong nước và duy trì bảo hộ thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ rất vui mừng”, ông Hào chia sẻ.

Theo Phạm Sơn (khampha.vn)
Scroll