Điện mặt trời: Công nghệ không thiếu nhưng vẫn còn chờ... chính sách

“Khuynh hướng chung của các thiết bị công nghệ là ngày càng giảm về giá thành và tăng về chất lượng. Đầu tư sử dụng trong công nghiệp đã ổn tuy nhiên vẫn thiếu những giải pháp thực sự cho nhu cầu dân dụng”.

Đó là nhận xét của ông Bùi Vũ Văn Hòa, Công ty CP vật liệu điện và viễn thông Sam Cường, sau khi tham quan các gian giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Năng lượng Thế giới tại Việt Nam đang diễn ra từ 10.4 - 11.4.2018 tại TP.HCM.

Gần 100 nhà cung cấp từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã tham gia giới thiệu các giải pháp, thiết bị mới của mình tại triển lãm năm nay. Trong đó nổi bật là các hệ thống pin năng lượng mặt trời có công suất vượt trội nhờ tính năng tự xoay góc để đón lượng chiếu sáng lớn nhất.

Một số mẫu sản phẩm được nhiều khách tham quan chú ý có thể kể đến như mẫu pin mặt trời của công ty Goomax có khả năng xoay 60 độ và chịu được sức gió lên đến 60 m/s hay panel 72 cells với công suất 325W của hãng Jetion Solar.

Điện mặt trời: Công nghệ không thiếu nhưng vẫn còn chờ... chính sách - 1

Các thiết bị mới tại triển lãm được khách tham quan đánh giá cao

Là người theo sát công nghệ trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Khánh, Phó giám đốc Công ty TNHH GITel, nhận định: “Việc xoay theo hướng mặt trời không phải công nghệ quá mới nhưng kết cấu khung, giá đỡ vừa cho phép tấm pin mặt trời xoay được mà vẫn chống chịu tốt với thời tiết, mưa bão là điểm rất đáng chú ý. Năng lượng mặt trời nhìn chung vẫn là lĩnh vực mới ở Việt Nam nhưng qua triển lãm này, tôi nghĩ mọi người sẽ quan tâm nhiều hơn.”

Bên cạnh đó, các thiết kế cho pin mặt trời trên mặt nước cũng là điểm nhấn tại triển lãm lần này. Anh Nguyễn Thanh Ngọc, một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy điện, cho biết: “Xu thế hiện nay nhiều công trình thủy điện đang áp dụng là tận dụng mặt nước hồ chứa để sản xuất điện mặt trời. Với diện tích các hồ chứa lên đến hàng kilomet vuông, sản lượng điện sản xuất ra không hề nhỏ. Việc vệ sinh các tấm pin trên mặt nước cũng khá đơn giản.”

Những công nghệ, thiết bị mới này theo các chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá đã đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng pin mặt trời cho các hộ gia đình vẫn chưa thực sự phổ biến.

Điện mặt trời: Công nghệ không thiếu nhưng vẫn còn chờ... chính sách - 2

Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ ngành đã có nhiều chính sách động thái tích cực để thúc đẩy phát triển điện mặt trời. Trong đó, quan trọng nhất là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Thông tư 16/2017/TT-BCT của Bộ Công thương về phát điện dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.

Theo những quy định đó, các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá 9,35 Uscents/kWh. TP.HCM cũng đã triển khai lắp đặt công tơ điện 2 chiều để phục vụ cho quy định này.

“Về tinh thần tôi rất hoan nghênh những quy định này nhưng triển khai đòi hỏi sự đồng bộ. Ví dụ như các hộ gia đình có thể bán lại điện dư từ hệ thống điện mặt trời nhưng các chính sách phải cụ thể rõ ràng nếu không họ khó chủ động đầu tư. Thứ 2 là chúng ta cần hệ thống quản lý điện thông minh. TP.HCM đã triển khai lắp công tơ điện 2 chiều và có thể làm tiền đề để phát triển”, ông Bùi Vũ Văn Hòa nhận định.

Theo Phạm Sơn (khampha.vn)
Scroll