Công nghệ sản xuất collagen từ vảy cá sẽ được doanh nghiệp Việt triển khai ứng dụng

Nguồn collagen sản xuất ra sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cung ứng cho thị trường trong nước (vốn đang phụ thuộc vào nhập khẩu).
Ngày 18/12, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức sự kiện Kết nối ý tưởng “Công nghệ sản xuất collagen từ vảy cá” để hỗ trợ các doanh nghiệp đã đặt hàng tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp để khai thác nguồn collagen từ vảy cá rô phi.
 
Theo thông tin từ doanh nghiệp, vảy cá rô phi hiện bị xem là phế phẩm trong nông nghiệp, có nhiều ở Tây Nam bộ và một số tỉnh thành khác. Để không gây lãng phí và giải quyết tình trạng thải vảy cá ra môi trưởng ô nhiễm, thì việc khai thác nguồn collagen từ vảy cá là rất hợp lý. Đồng thời, nguồn collagen sản xuất ra sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cung ứng cho thị trường trong nước.
 
 
Doanh nghiệp rất quan tâm đến công nghệ chiết xuất collagen từ da cá, vảy cá được trình bày tại sự kiện. 
 
Báo cáo tại sự kiện, ThS. Nguyễn Công Bỉnh (Khoa Thủy sản - Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) cho biết, collagen được tách chiết từ vảy, xương và da cá. Sản phẩm có collagen đang được người tiêu dùng hướng tới rất mạnh, như cà phê collagen, nha đam collagen… Quy trình chiết xuất collagen của Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tập trung vào da và vảy cá, tạo ra 3 loại sản phẩm collagen tinh sạch, dạng bột bằng các công nghệ sấy phun và sấy thăng hoa. Collagen thành phẩm thu được có nhiều hoạt tính sinh học hữu ích như kháng ôxy hóa, kháng khuẩn và khả năng tạo nhũ, tạo bọt khá tốt, đặc biệt là khả năng hòa tan (thường dùng trong đồ uống). Collagen thành phẩm không đắng và không còn mùi cá.
 
Theo ông Nguyễn Quyết Thắng (Trưởng VPĐD Công ty Ventilex B.V - Hà Lan), quá trình sản xuất collagen ở quy mô công nghiệp cần được đồng bộ để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Công ty Ventilex có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn, triển khai lắp đặt các hệ thống công nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, tiền của khi cần lắp đặt, vận hành nhà máy sản xuất collagen. Trong đó, một trong các vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm là nguồn nước do việc sản xuất collagen đòi hỏi sử dụng rất nhiều nước, các hệ thống xử lý nước cho sản xuất collagen lại rất phức tạp. Bên cạnh đó, công đoạn sấy collagen cũng cần tuân thủ chặt chẽ các quy định để đảm bảo sản phẩm đầu ra đạt chuẩn. Với công nghệ của Ventilexc B.V, collagen sản xuất ra có chất lượng vượt trội hơn hẳn collagen chỉ sản xuất bằng sấy tầng sôi thông thường.
 
Theo ThS. Vũ Thị Mai (Công ty TNHH Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao Champbio), Champbio đã phát triển quy trình chiết xuất collagen mới (CBO) từ vảy cá, cho năng suất chiết xuất protein cao hơn 2-3 lần so với thông thường. Hiệu suất chiết suất collagen (loại 1) từ 14-70% theo khối lượng khô, khả năng giữ nước từ 320-410%, nhiệt độ biến tính 39oC. Champbio sẽ làm việc với doanh nghiệp để có các quy trình phù hợp với từng doanh nghiệp cụ thể.
 
Theo các chuyên gia tư vấn tại sự kiện, để thiết kế và xây dựng một mô hình nhà xưởng, phải tiến hành nghiên cứu sơ bộ dựa vào các chỉ số ước tính về công suất, nguồn nguyên liệu, nguồn nước (nước cấp và nước thải), mặt bằng xây dựng, vệ sinh môi trường… trong thời gian khoảng 2 tuần. Sau nghiên cứu sơ bộ sẽ là nghiên cứu chi tiết về việc triển khai thực tế để đảm bảo suất đầu tư phù hợp. Tùy theo phương pháp ứng dụng phù hợp với mục đích (thực phẩm, mỹ phẩm…), có thể thu được 12-15% thành phầm collagen hoặc gelatin (so với nguồn nguyên liệu thô).
 
 
Các chuyên gia tích cực trao đổi, thảo luận về công nghệ để triển khai ứng dụng 
 
Về mặt công nghiệp, để đảm bảo yếu tố kinh tế, quy mô sản xuất tối thiểu phải đạt 300 tấn/năm, nghĩa là khoảng 1 tấn/ngày (300 ngày hoạt động), thì mới có hiệu quả về mặt đầu tư. Tính toán sơ bộ, toàn bộ chi phí xây dựng nhà xưởng và mua sắm thiết bị vào khoảng 1,5 triệu USD. Quan trọng khi thiết kế nhà xưởng công nghiệp thực tế, phải có quy trình chuẩn, nhân sự phải được đào tạo chuyên nghiệp, có thiết bị đo đạc chuẩn… dựa trên nhu cầu thật, từ nhu cầu lớn nhất của thị trường. Do đó, từ quy mô pilot trong phòng thí nghiệm đến quy mô sản xuất công nghiệp là một bước tiến rất dài.
 
Theo các chuyên gia, do rào cản về dịch bệnh, tín ngưỡng tôn giáo, nên có sự hạn chế trong việc tiếp nhận và sử dụng collagen từ động vật trên cạn (heo, bò…). Chính vì vậy, khách hàng quốc tế có xu hướng chuyển qua khai thác và sử dụng collagen từ thủy sản. Điều đáng mừng là chỉ tính riêng ở miền Tây, lượng vảy cá thải ra khoảng trên 5 tấn/ngày (số liệu từ doanh nghiệp), và ở quy mô công nghiệp, ít có quốc gia nào có nhiều vảy cá như ở nước ta. Việc sử dụng vảy loại cá nào, công nghệ gì,...sẽ liên quan trực tiếp đến tỷ lệ collagen thu hồi được.
 
Nhận xét về các giải pháp, bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) cho rằng, các phương án mà các nhà cung ứng nêu là những giải pháp rất hay, hợp lý, với quy mô từ phòng thí nghiệm cho đến quy mô sản xuất công nghiệp. Để có thể chuyển giao thực tế, các doanh nghiệp cần phối hợp, làm rõ các chi tiết về giải pháp công nghệ và đầu tư.
 
 
Ký kết ghi nhớ hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các bên tại sự kiện 
 
Kết quả, nhóm doanh nghiệp cầu công nghệ đã chủ động ký 7 biên bản ghi nhớ với bên cung ứng công nghệ để làm cơ sở tạo mối quan hệ, nghiên cứu sâu hơn trước khi quyết định nhận chuyển giao công nghệ sản xuất collagen từ vảy cá để đưa vào thực tiễn sản xuất. 
Hoàng Kim
Scroll