Chế biến nông sản xuất khẩu và bệ phóng khoa học công nghệ trong năm 2018

Tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, máy móc và giải pháp tự động hóa chính là ngòi nổ giúp nâng cao giá trị cho mặt hàng nông sản Việt Nam phục vụ xuất khẩu, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp quốc gia.

Trong vài năm trở lại đây, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực.

Nông sản Việt Nam hiện xuất khẩu đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và luôn nằm trong Top 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất. Trong năm 2016, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 32 tỷ USD, và năm 2017 ước đạt 36 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị thấp. Chất lượng của hàng nông sản Việt Nam thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường. Trong đó, tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, 14% đối với lúa gạo, 25 - 30% với chăn nuôi, rau củ quả.


Sản phẩm công nghệ dành cho ngành chế biến nông sản xuất khẩu được triễn lãm tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm lần 6 – năm 2017 (Hi-Tech Agro 2017)

Sau một giai đoạn dài cạnh tranh bằng giá thành, nông sản Việt Nam đã bắt đầu hụt hơi trong cuộc đua với các đối thủ nước ngoài vì chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã. Nỗ lực tăng năng suất dựa trên phương thức canh tác cũ đã đến giới hạn, cộng với áp lực chi phí sản xuất tăng do phụ thuộc vào nguồn vật tư nhập khẩu và quá trình đô thị hóa, buộc ngành nông nghiệp và chế biến nông sản phải chuyển hướng sang đầu tư công nghệ tiên tiến mới đạt được cả hai mục tiêu là tăng năng suất và chất lượng.

Với mục tiêu nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định 1003 về nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch. Xác định đến năm 2020, giá trị gia tăng các ngành hàng nông, lâm, thủy sản phải tăng bình quân 20% và giảm tổn thất sau thu hoạch 50% so với tỷ lệ hiện nay. Bên cạnh đó là các giải pháp về tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu, chế biến tiêu thụ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm,…

Điều kiện chế biến thô sơ cộng với điều kiện khí hậu nóng ẩm khiến các loại nông sản dễ bị mối mọt, côn trùng tấn công, nấm mốc và bốc nóng gây tổn thất trọng lượng khô. Cùng với đó, có rất ít nông sản được chế biến sâu do hạn chế về công nghệ và kỹ thuật nên giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Các chuyên gia cho rằng, để giảm tổn thất và gia tăng giá trị cho nông sản, Việt Nam cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản và chế biến nông sản.

Bà Bùi Thanh Bằng – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) khẳng định trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 như hiện nay thì việc ứng dụng những tiến bộ về khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp là nhu cầu rất cấp thiết và quan trọng, bởi đây là yếu tố giúp doanh nghiệp có được những sản phẩm cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện phát triển bền vững. Trong thời gian tới, CESTI tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu công nghệ, các kỳ chợ công nghệ - thiết bị thường xuyên, tăng cường tiếp nhận các yêu cầu tìm kiếm công nghệ - thiết bị của doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ.

Một trong những ví dụ điển hình là trong xuất khẩu hồ tiêu các loại, Việt Nam ước đạt khoảng 179.233 tấn, có thể được xem là một trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu có quy mô lớn trên thế giới. Sản phẩm hồ tiêu Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu với tỷ trọng khoảng 95%, phần còn lại là phục vụ thị trường nội địa. Với sản phẩm hồ tiêu, một trong những công đoạn cực kỳ quan trọng của kỹ thuật chế biến và bảo quản hạt tiêu là khâu phơi sấy. Ở thời điểm hiện tại, việc sấy tiêu truyền thống trải qua nhiều công đoạn vất vả đã không còn là nỗi lo lắng của người nông dân.

Qua thời gian nghiên cứu và phát triển, Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền cho ra đời sản phẩm - giải pháp máy sấy tiêu DD1K phục vụ sấy hạt tiêu tươi, tiêu khô và có thể sử dụng sấy các loại hạt có kích cỡ tương đương bằng hạt tiêu như hạt cà phê, ca cao. Máy DD1K phiên bản tiêu chuẩn có khả năng hoàn tất công đoạn sấy khoảng 600kg hạt tiêu tươi trong thời gian 7 giờ đồng hồ. Một ưu điểm nổi bật không thể không kể đến của DD1K là máy sử dụng hệ thống đốt gián tiếp, nung nóng không khí sạch để đưa vào sấy, do đó nông sản sau khi sấy xong thì tuyệt đối không có mùi khói của các loại chất đốt dù dùng chất đốt loại gì.

 

Máy sấy tiêu DD1K được sử dụng tại 1 hộ gia đình thuộc thôn Eju, xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk

Cũng giống như hồ tiêu, nhằm khắc phục tình trạng các doanh nghiệp vẫn chế biến và bảo quản chè theo kiểu thủ công dẫn đến chất lượng và giá thành đều thấp, hệ thống tự động hóa quá trình chế biến và bảo quản chè ra đời đã góp phần nâng cao năng lực quản lý ở các đơn vị chế biến chè, giúp chất lượng chè chế biến bảo đảm tiêu chuẩn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trên thực tế, hệ thống tự động hóa quá trình chế biến và bảo quản chè đã được triển khai hoạt động thành công tại một số đơn vị sản xuất chè như công ty chè Lâm Đồng, công ty chè Long Phú.
 

Một góc sản xuất trong hệ thống tự động hóa

Việc ứng dụng hệ thống tự động hóa vào quy trình chế biến chè giúp năng suất của các nhà máy tăng cao, chất lượng đấu trộn cao và đồng đều, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong đó, nguyên liệu được cân tự động, đảm bảo chất lượng của khâu lên men, trong khi giảm được số lao động trực tiếp tại tất cả công đoạn. Đại diện đơn vị nghiên cứu cho biết, hệ thống tự động hóa này cũng có thể cải tiến để sử dụng cho một số sản phẩm khác như cà phê, gạo, bắp. Hệ thống sẽ được cung cấp theo đơn đặt hàng hoặc bán trực tiếp theo hợp đồng chuyển giao.

Cũng theo bà Bằng cho biết, những buổi sự kiện Techmart chuyên ngành được tổ chức thường xuyên cùng với Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM -Techmart Daily mà CESTI đang vận hành là những kênh hỗ trợ của TP.HCM để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có điều kiện tiếp cận thành quả khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, kinh doanh; giới thiệu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ,…

Muốn mở rộng thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ nông sản, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong chế biến chuyên sâu. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và nông sản nói chung cần tích cực hợp tác với các Viện nghiên cứu, nhà sản xuất máy móc nhằm nâng cấp thiết bị, công nghệ phục vụ chế biến. Qua đó, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nông sản chế biến. Đây là giải pháp hiệu quả để xây dựng thương hiệu và thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới. 
Cao Minh
Scroll