"Bày cách" giúp startup tiếp cận vốn từ Sở KH&CN TP.HCM

Ngày 4/5/2017, tại Saigon Innovation Hub (SIHUB), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã tổ chức hội thảo hướng dẫn các doanh nghiệp cách tiếp cận vốn hỗ trợ khởi nghiệp từ chương trình Speed Up 2017.

Đây là nội dung chính được rất nhiều startup và doanh nghiệp nhỏ lẻ mới thành lập quan tâm.

Đông đảo đại diện các doanh nghiệp cùng startup đã tham gia đặt câu hỏi về chương trình.

 

Làm sao để nhận hỗ trợ từ Speed Up 2017?

 

Đây là nội dung chính được rất nhiều startup và doanh nghiệp nhỏ lẻ mới thành lập quan tâm.

 

Cụ thể, Speed Up 2017 là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp được Sở KH&CN phát động từ ngày 1/1/2017, cho phép startup nhận được nguồn vốn hỗ trợ tối đa tới 2 tỷ đồng, trong thời hạn 2 năm.

 

Yêu cầu của chương trình là startup hoặc doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh ở TP.HCM, nhưng không tuổi thành lập quá 5 năm. Và startup hoặc doanh nghiệp phải có một dự án đổi mới sáng tạo (ĐMST) mới có thể tham gia chương trình.

 

Lĩnh vực tùy chọn tự do song Sở KH&CN ưu tiên các dự án thuộc về các mảng Cơ khí - Tự động hoá; Điện tử - Công nghệ Thông tin (CNTT); Hoá - Dược - Nhựa - Cao su; Chế biến tinh thực phẩm; Công nghệ Sinh học (CNSH).

 

 

Các thành viên Hội đồng Thẩm định Speed Up 2017 hướng dẫn startup cách tham gia chương trình.

 

Tuy vậy, một vấn đề mà nhiều startup hiểu nhầm là kinh phí sẽ được rót trực tiếp từ Sở KH&CN. Bà Phan Quý Trúc - đại diện Sở KH&CN, cho biết: "Tuy kinh phí là của Sở, nhưng Sở sẽ thông qua sự thẩm định của các cơ sở ươm tạo để chọn ra dự án cấp vốn".

 

Nói cách khác, việc startup có được hỗ trợ hay không sẽ tuỳ thuộc quyết định của các vườn ươm hoặc vườn tăng tốc. "Hiện có 15 cơ sở ươm tạo đã nhận được tín nhiệm của Sở để làm việc trên", bà Trúc nói thêm.

 

Nhưng các startup cũng không cần quá lo ngại liệu dự án của mình có được thông qua hay không vì các vườn ươm trên đều là đối tác của Sở, có nhiệm vụ sơ tuyển các hồ sơ, hỗ trợ tư vấn hoàn chỉnh, dự toán kinh phí và thời gian cần thiết cho từng dự án.

 

"Vấn đề duy nhất mà các startup cần làm là trình bày càng chi tiết càng tốt tính khả thi của dự án, làm theo thuyết phục được vườm ươm cảm thấy đây là một sản phẩm có giá trị. Thêm vào đó, những dự án nào đã có sẵn nhà đầu tư khác (không thuộc nhà nước) sẽ được ưu tiên cấp vốn từ Speed Up", bà Trúc bổ sung.

 

Là thành viên trong Hội đồng Thẩm định Speed Up 2017, ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital, chia sẻ thêm: "Để có thể sơ tuyển thành công, đối với riêng vườm ươm VIISA, trong phần hồ sơ đăng ký, các bạn cần nêu rõ 5 yếu tố - nhân sự, mô hình kinh doanh, khả năng tăng trưởng, thị trường mục tiêu và nền tảng công nghệ. Trong đó, nhân sự là những ai đã tham gia thành lập startup, thời gian đóng góp của họ. Mô hình kinh doanh làm sao để sản phẩm của bạn có lợi nhuận. Khả năng tăng trưởng là các bạn đã làm được gì và dự kiến sẽ ra mắt được cái gì. Sản phẩm của bạn nhắm đến đối tượng nào. Nền tảng công nghệ dùng trong đó là gì...".

 

 

Quy trình tuyển chọn dự án startup của Speed Up 2017.

 

Các thành viên Hội đồng Thẩm định cũng nhắn nhủ thêm rằng, startup đừng nên quá ngại trong chuyện bảo mật thông tin trong hồ sơ đăng ký.

 

Các chuyên gia tư vấn của các vườn ươm đều có các cam kết bảo mật, không để các startup bị thiệt hại. Trái lại các thông tin trên sẽ phần nào giúp bản hồ sơ đăng ký có thêm trọng lượng trong mắt vườm ươm khi quyết định hỗ trợ vốn hay không.

 

Không còn là startup vẫn có thể được Sở KH&CN hỗ trợ

 

Một nội dung khác được ông Chu Bá Long, Phó phòng Quản lý Công nghệ thuộc Sở KH&CN, trao đổi trong hội thảo là việc một doanh nghiệp lâu năm (trên 5 năm, không đạt điều kiện đăng ký Speed Up) vẫn có thể nhận được các hỗ trợ, ưu đãi nếu chịu đăng ký làm chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ (DN KHCN).

 

Cụ thể, DN KHCN sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), chỉ phải chịu mức thuế 10% trong 15 năm đầu tính từ khi bắt đầu có doanh thu từ KHCN, hoặc miễn thuế TNDN trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo từ khi có thu nhập chịu thuế.

 

Doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ trước bạ nhiều chi phí, hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng cho vay vốn, hưởng các ưu đãi về chi phí thuê đất để sản xuất nằm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất...

 

 

Đông đảo các doanh nghiệp và startup tới tham gia để hiểu thêm về các khoản hỗ trợ của của Sở KH&CN TP.HCM.

 

Để có thể đạt được chứng nhận DN KHCN, ông Long cho biết trước hết bản thân doanh nghiệp phải là một doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh với Sở Kế Hoạch và Đầu tư.

 

Các startup nếu muốn nhận được tiếp các ưu đãi hỗ trợ này cũng sẽ phải thực hiện tương tự. Lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động phải nằm trong các lĩnh vực đã được quy định gồm CNTT, CNSH, Tự động hóa, Vật liệu mới, Năng lượng mới, Bảo vệ môi trường, Công nghệ vũ trụ hoặc Công nghệ khác do Bộ KH&CN quy định.

 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải là chủ sở hữu hợp pháp các bản quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hoặc là pháp nhân được chuyển giao công nghệ do đơn vị khác nghiên cứu.

 

Nếu thỏa các yêu cầu trên, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Sở KH&CN ở từng địa phương để thực hiện nhận chứng nhận DN KHCN.

 

Các vấn đề về thủ tục đăng ký, câu hỏi thường gặp về chương trình Speed Up 2017, startup có thể truy cập vào link http://sihub.vn/speedup2017/ để biết thêm chi tiết. Các vấn đề về thủ tục đăng ký, điều kiện và quy định thành lập DN KHCN, doanh nghiệp có thể truy cập vào link http://dost.hochiminhcity.gov.vn/pages/doanh-nghiep-khcn.aspx để biết thêm chi tiết.

 


Theo Khampha.vn
Scroll